Những năm đầu thập niên 80, đời sống ở Việt Nam vẫn đang rất khó khăn. Cho đến nay, những người lớn tuổi hẳn vẫn nhớ vụ cháy kinh hoàng tại tòa nhà IMEXCO, để lại rất nhiều thiệt hại cả về người và của. Qua đó cũng bộc lộ sự yếu kém của lực lượng cứu hỏa thời bấy giờ. Vấn đề nan giải nhất ngày ấy là xe chữa cháy rất hiếm, kết cấu hạn chế, nguyên liệu dập lửa thì có hạn.
Cũng từ đó, nhu cầu về trang thiết bị và phương tiện PCCC bắt đầu được đặt ra. Xe chữa cháy trở thành trăn trở của những người làm khoa học. Ông Nguyễn Văn Huấn (Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TP.HCM khi đó) đã đến gặp PGS.TS Nguyễn Lê Ninh và đề nghị thiết kế, chế tạo xe chữa cháy cho thành phố. Khi đó, ông Ninh là vị chuyên gia đầu ngành ô tô nên là người đầu tiên được nghĩ đến.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh kể lại thời điểm chế tạo xe PCCC đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Báo CAND
Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Ninh bắt đầu vào cuộc. Ông tính toán kỹ lưỡng, lên phương án chi tiết để giảm thiểu kinh phí, nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu chữa cháy. Nhân sự của ông Ninh ngày ấy là những kỹ sư trẻ được đào tạo trong ngành chế tạo ô tô, cùng một số sinh viên học cơ khí ô tô.
“Tôi đã chọn loại xe KAMAZ của Liên Xô, trọng tải 11,2 tấn để cải tạo thành xe chữa cháy chuyên dụng, kéo dài cabin, thiết kế thùng chứa nước và nguyên liệu (Foam) dùng để phun bọt khí, làm kho chứa các chất hữu cơ lỏng như xăng, dầu, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu khi chữa hỏa hoạn lớn”,ông Ninh kể lại với báo chí.
4 tháng 20 ngày là thời gian ông Ninh cùng các cộng sự cần để biến chiếc xe tải nặng KAMAZ 53212 của Liên Xô thành xe chữa cháy đa dụng đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 6/1991, nước ta chính thức có chiếc xe chữa cháy “made in Việt Nam” đầu tiên.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (áo trắng) cùng cộng sự đang thi công tại xưởng. Ảnh: Báo CAND
Chiếc xe này tải trọng 11,2 tấn, dung tích 10m3 nước và 1m3 bọt, có động lực liên hoàn để kéo bơm nước. Cabin có 2 hàng ghế, chở được 9 người (7 lính cứu hỏa, 1 tài xế, 1 phụ xe). Thời điểm đó, đây là thành tích ngoạn mục, đưa nền khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam lên một tầm cao mới. Bởi xe chữa cháy của Liên Xô cũng chỉ chở được 2,1m3 nước, cần thêm 1 – 2 xe Jeep để chở lính cứu hỏa.
Giây phút đưa vào vận hành thử, nhìn chiều cao dòng nước phun vượt đỉnh tháp, đạt 70m, cả ông Ninh và lực lượng cứu hỏa ở Trung tâm PCCC Công an TP.HCM đã vỡ òa trong vui mừng.
Xe PCCC đầu tiên do PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chế tạo thành công. Ảnh: Báo CAND
Sau này, nhiều loại xe chữa cháy “made in Việt Nam” khác xuất hiện, nhưng chiếc xe đầu tiên này luôn đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất. Sau đóng góp đó, ông Ninh được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Pháp lệnh PCCC của Chính phủ. Ngoài ra, Cục PCCC còn tặng ông giấy khen vì những đóng góp vào công cuộc bảo vệ An ninh thành phố và đất nước. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng ông bằng khen Lao động sáng tạo…
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nguyên là Chủ nhiệm ngành Cơ khí động lực, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Ô tô – Máy kéo của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Ông không chỉ là một nhà giáo tâm huyết mà còn là chuyên gia đầu ngành cơ khí động lực, có nhiều ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống.
Theo Sở hữu trí tuệ