Không biết về đâu
Trao đổi với PV Báo SGGP tại âu tàu phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), ngư dân Võ Thế Quyền (43 tuổi) lo lắng: “Ngư dân TP Quy Nhơn đủ các thành phần, nhưng đa số là người nghèo khó, nhiều người tuổi đã lớn, từ 45-60 tuổi. Bản thân tôi nhờ đeo bám đánh bắt, neo đậu ven TP Quy Nhơn nên thu nhập tạm ổn, mỗi ngày 300.000-500.000 đồng cũng đủ nuôi 2 con ăn học, 1 cháu mới sinh. Giờ nếu dời hết tàu, thuyền ra Đề Gi thì tôi không thể duy trì được nghề vì tàu nhỏ không đi xa được. Rất mong lãnh đạo tỉnh xem xét kỹ càng đến nhiều thành phần để ngư dân bớt thiệt thòi, nhất là những nghề nhỏ như chúng tôi”.
Nhiều tàu cá vào neo đậu, tránh trú bão ở âu tàu phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Còn ngư dân Nguyễn Văn Cảnh (54 tuổi), chủ tàu cá BĐ 61306 TS, kể, ông có 30 năm bám các cửa biển TP Quy Nhơn hành nghề và từng chứng kiến nhiều lần thay đổi quy hoạch, di dời làng biển, vùng neo đậu tàu cá để phục vụ sự phát triển thành phố này. Vừa rồi, nghe tỉnh di dời tàu cá, ông Cảnh lo nhất là tuổi đã lớn, nếu nghỉ biển lên bờ thì chẳng biết làm gì để mưu sinh.
Ngư dân Văn Công Việt (58 tuổi, chủ tàu BĐ 91189 TS, công suất 900CV ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn - người từng đại diện ngư dân Việt Nam dự hội nghị nghề cá quốc tế ở đảo Bali (Inodesia, năm 2020) so sánh, ở các thành phố du lịch lớn miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang cũng lồng ghép phát triển cảng cá, trung tâm dịch vụ, hậu cần thủy sản ngay trong thành phố để hỗ trợ phát triển ngành du lịch. TP Quy Nhơn đang phát triển du lịch, nhu cầu hải sản tươi sống cung ứng cho ngành du lịch rất lớn, nếu dời cảng cá đi xa thì gây nhiều tổn thất.
“Theo tôi, nếu tỉnh thực hiện di dời tàu thuyền ở Quy Nhơn thì nên dời ra cảng Nhơn Hội hoặc khu vực đầm Thị Nại 5.000ha, chứ không nên dời ra cảng Đề Gi; bởi cảng Đề Gi cửa rất hẹp, tàu thuyền ra vào phụ thuộc con nước rất nguy hiểm và bất tiện trong việc tránh trú gió bão. Nếu dời ra Nhơn Hội hoặc đầm Thị Nại thì vẫn vào cửa cảng nước sâu Quy Nhơn, tàu thuyền ra vào rất thuận lợi để sinh hoạt nghề cá và tránh trú gió bão”, ông Việt nêu nguyện vọng.
Nhiều ngư dân, thương lái nghề cá ở TP Quy Nhơn bày tỏ, cảng cá Quy Nhơn có bề dày truyền thống lâu đời, nơi đây có khu chợ cá hoạt động lúc 0 giờ là nét văn hóa biển đặc trưng Quy Nhơn nếu được đầu tư, khai thác đúng tầm. Bà Trần Thị P.L. (62 tuổi, một đầu nậu ở cảng cá Quy Nhơn) đang là “bà đỡ” của 50-60 tàu cá thường xuyên ở cảng cá Quy Nhơn, lo ngại: “Giờ tỉnh di dời tàu thuyền đi sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề, con người đi cùng, như đầu nậu, lao động, thợ thuyền, phu bốc vác… Hơn nữa, cảng cá này còn là nơi tàu thuyền nhiều tỉnh, thành phố miền Trung về neo đậu, mua bán hải sản, tránh trú bão, nếu di dời ra Đề Gi thì những tàu này có thể sẽ không về Bình Định nữa, đây là tổn thất rất lớn”.
Đánh giá kỹ lưỡng
Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, cho biết, vừa qua, đơn vị tiến hành phản biện chính sách hỗ trợ di dời tàu thuyền, hầu hết các đại biểu thống nhất cao nhằm tạo không gian mới cho phát triển kinh tế biển, đội tàu lớn. Tuy nhiên, đại biểu, chuyên gia cũng đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, nhiều lần, nhiều lĩnh vực để tránh bỏ lọt đối tượng bị ảnh hưởng.
“Theo dự thảo chính sách hỗ trợ, đối tượng tàu cá nếu muốn xả bản, chuyển đổi nghề thì tỉnh sẽ hỗ trợ như mua lại tàu và chi trả các khoản chuyển đổi nghề (chi phí chuyển đổi nghề, học nghề mới, nhà ở, tiền ăn...). Ngoài ra, chính sách cũng hướng đến các thành phần liên quan khác như: chủ tàu, bạn tàu, người buôn bán, đầu nậu kinh doanh cảng cá, người bốc vác, thợ thuyền, phu tàu… thường trú, sinh sống ở TP Quy Nhơn”, ông Nhất thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho hay, dự thảo chính sách hỗ trợ di dời tàu thuyền trên dự kiến cần kinh phí từ 200-250 tỷ đồng. Hiện, dự thảo đã được trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chờ kết luận, trình HĐND tỉnh Bình Định thông qua. Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Định là xem xét thấu đáo, cần thời gian để đánh giá kỹ lưỡng các ý kiến, nguyện vọng của người dân… Sau khi thực hiện đề án, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, hậu cần nghề cá để hình thành trung tâm hậu cần thủy sản lớn ở cảng Đề Gi. Hiện, Bộ NN-PTNT đang đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão ở cảng Đề Gi 65ha, vốn đầu tư 320 tỷ đồng, sức chứa 2.000 tàu cá. Dự án tích hợp việc nạo vét luồng chạy tàu, luồng chính khoảng 4.200m, khối lượng nạo vét khoảng 214.000m3.
Theo đề án, năm 2025, Bình Định sẽ dời 602 tàu thuyền từ 6-24m ra cảng Đề Gi. Ngoài ra, đề án cũng ảnh hưởng đến tàu cá nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đang sử dụng, neo đậu thường xuyên ở cảng cá Quy Nhơn, khoảng 9.000-10.000 lượt tàu/năm; mùa bão gió có 800-1.000 tàu thuyền thường xuyên vào cảng này để tránh trú.
NGỌC OAI