Thận trọng trước kịch bản VN-Index có thể giảm sâu hơn

Thận trọng trước kịch bản VN-Index có thể giảm sâu hơn
2 ngày trướcBài gốc
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần (4-8/11) giao dịch giằng co khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trong bối cảnh diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed.
Cơn gió ngược
Cụ thể, sau khi giảm mạnh phiên đầu tuần, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào thứ 4 (6/11) đã ảnh hưởng tích cực ở một số nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, công nghệ,... cũng như thị trường chung. Tuy nhiên, hiệu ứng về bầu cử ở Mỹ chỉ mang tính tạm thời khi hai phiên cuối tuần, VN-Index trở lại diễn biến điều chỉnh.
Giới phân tích cho rằng sự hứng khởi của thị trường trong nước sau khi đón nhận thông tin ông Donal Trump thắng cử nhiệm kỳ tới đã nhanh chóng chuyển thành sự hoài nghi về tác động của những chính sách kinh tế sắp tới đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam.
Với những “cơn gió ngược”, thị trường có thể giảm sâu hơn nữa.
Theo ông Ngô Minh Đức, Founder Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra với chiến thắng của ông Trump, những chính sách của ông Trump như tăng thuế thương mại, kiểm soát nhập cư, giảm thuế và nới lỏng các quy định kinh doanh sẽ thúc đẩy kinh tế và làm tăng lạm phát. Điều này sẽ khiến đồng USD có xu hướng mạnh hơn trong dài hạn, dẫn đến các đồng tiền khác suy yếu so với đồng tiền này.
“Về góc độ vĩ mô, việc đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác cũng khiến cho khối nhà đầu tư quốc tế cân nhắc trong việc giải ngân đầu tư tại các thị trường mới nổi hoặc cận biên. Thay vào đó, họ có xu hướng tìm về các thị trường phát triển”, ông Đức nhận xét.
Trong khi đó, việc Thông tư 02 đáo hạn cuối năm và lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong phần còn lại của năm 2024 vẫn sẽ ảnh hưởng đến kênh chứng khoán. Hơn nữa, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá yếu, chỉ số chính dù không giảm sâu nhưng mức độ giảm của đa phần các cổ phiếu là tương đối lớn.
"Không bi quan nhưng chúng ta cần nhìn nhận thực tế thị trường thiếu yếu tố để diễn biến tích cực trong ngắn hạn”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TPHCM nêu quan điểm.
Theo ông Huy, dòng tiền phân hóa mạnh, độ lan tỏa còn hạn chế, do đó thị trường có rủi ro lùi trở lại để kiểm tra ngưỡng 1.240 điểm. Không loại trừ khả năng chỉ số điều chỉnh xa hơn nếu khối ngoại vẫn bán "rát", vì tâm lý rất mong manh lúc này. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn và có sự chuẩn bị ngay cả trong kịch bản tiêu cực.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định VN-Index có thể thử thách ở vùng định giá thấp hơn trước khi được tái định giá về vùng hợp lý. Theo đó, cho giai đoạn 3 tháng tiếp theo (trước khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV diễn ra), chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng 1.237 – 1.345 điểm.
Cơ hội đối với nhóm cổ phiếu xuất khẩu
Về chiến lược, các chuyên gia cho rằng khi thị trường chứng khoán vận động giằng co với thanh khoản thấp đi kèm các tín hiệu kỹ thuật kém tích cực, nhà đầu tư thường có xu hướng bán hết cổ phiếu và chờ thị trường giảm mạnh hơn rồi mới quay lại đầu tư.
Tuy nhiên, một số nhân tố có thể tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm tìm được điểm cân bằng trong thời gian tới.
Do đó, thị trường yếu có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tốt với giá rẻ, quan trọng là chọn được doanh nghiệp tốt. Có những doanh nghiệp đi qua khó khăn tăng trưởng rất mạnh trở lại nhưng cũng có những doanh nghiệp chẳng bao giờ trở lại vùng giá cũ.
"Mặc dù chưa có nhiều động lực để bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 1.300 điểm trong quý IV, kỳ vọng VN-Index sẽ khó điều chỉnh giảm sâu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay.
Nhà đầu tư có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với các vị thế ngắn hạn đã đạt tỷ suất sinh lời kỳ vọng. Tuy nhiên cũng không nên “bán sạch” cổ phiếu, bởi xác suất thị trường hồi phục vẫn có thể xảy ra, khi đó tâm lý nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng và rất dễ nảy sinh trạng thái FOMO trở lại khiến việc đầu tư kém hiệu quả ", ông Nguyễn Anh Khoa khuyến nghị.
Dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc ông Trump lên nắm quyền sẽ gần như tạo lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lợi thế về xuất khẩu khi ông Trump sẽ làm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc. Trong đó, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam phải kể đến là thủy sản, dệt may, gỗ, đá. Ông Minh kỳ vọng giá bán sẽ có xu hướng hồi phục trong năm 2025 cùng với lượng đơn đặt hàng gia tăng.
Tương tự, ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận phân tích thị trường, Chứng khoán Vietinbank (CTS) đánh giá bất động sản khu công nghiệp là một trong những nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thông tin ông Trump tái đắc cử. Kỳ vọng nhóm cổ phiếu này đến từ sự tiếp diễn mạnh hơn của quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra ngoài Trung Quốc của các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong 10 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu có tỷ trọng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ như thủy sản, dệt may, gỗ cũng được kỳ vọng hưởng lợi khi trong quá trình tranh cử, ông Trump đã đề cập đến kế hoạch tăng thuế đối với các hàng hóa từ Trung Quốc, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn đối với các sản phẩm của Việt Nam.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research cũng cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025.
Cụ thể, Dệt may, Thủy sản (cá tra), Cảng và Vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ.
Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, SSI lưu ý lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Hải Giang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//goc-nhin/than-trong-truoc-kich-ban-vn-index-co-the-giam-sau-hon-1103575.html