Phát Đạt (PDR) vừa bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần nửa tỷ đồng vì loạt vi phạm trong công bố thông tin và sử dụng vốn trái phiếu. Qua đó, có thể thấy, lỗi liên quan đến "giao dịch với người có liên quan" luôn tiềm ẩn nguy cơ làm thiệt hại cho lợi ích của cổ đông đại chúng.
Một trong hai người thao túng chứng khoán và bị phạt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo đã từng giữ những vị trí khá quan trọng tại công ty Phát Đạt, thậm chí từng ứng cử vào Hội đồng quản trị của Phát Đạt.
Phát Đạt ngay sau đó đã cho biết không liên quan gì đến việc thao túng đó. Khi kiểm tra báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Phát Đạt, có một chi tiết khá "lấn cấn". Công ty đã ghi nhận một khoản "Trả trước cho người bán ngắn hạn" với một người có tên là Nguyễn Thị Phương Thảo, số tiền lên tới 160 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, Báo cáo tài chính quý I/2025 vừa được công bố cho thấy, tính đến ngày 31/3/2025, số tiền Phát Đạt trả trước cho bà Thảo này tăng vọt lên 240 tỷ đồng.
Nếu bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận tiền trả trước này chính là bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã bị phạt vì thao túng cổ phiếu PDR, rõ ràng mối quan hệ giữa Phát Đạt và bà Thảo ít nhất cho đến cuối quý I vừa rồi còn rất "khăng khít", rất "tin cậy". Một quan hệ như vậy với người có thể đã thao túng cổ phiếu của chính công ty, điều đó rất đáng để đặt câu hỏi?
Khoản trả trước cho bà Thảo là quyết định dựa trên một Nghị quyết của Hội đồng quản trị vào tháng 12/2024. Nghị quyết được đánh số rất lạ: 27A. Tại sao là "27A"? Con số này nằm kẹp giữa Nghị quyết số 27 và số 28. Cách đánh số "xen kẽ" như vậy khiến việc theo dõi một cách hệ thống các quyết sách của công ty trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho cổ đông bên ngoài. Mọi thứ càng thêm "mù mờ" khi chính Nghị quyết 27A quan trọng đó không hề được Phát Đạt công bố.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, về mặt pháp lý có thể không được xếp vào diện "người có liên quan của người nội bộ" theo định nghĩa của luật nên việc không công bố Nghị quyết 27A có thể vẫn đúng quy định.
Dù bà Thảo có phải "người liên quan" theo đúng câu chữ của luật hay không, toàn bộ câu chuyện này được hiểu rằng: một cá nhân từng giữ vị trí chủ chốt, từng thao túng cổ phiếu công ty, sau đó lại nhận được những khoản trả trước hàng trăm tỷ đồng từ chính công ty đó dựa trên một nghị quyết "bí ẩn" không được công bố, tất cả tạo nên một bức tranh đáng ngờ. Cộng hưởng với việc công ty vừa bị phạt, dù nhỏ, vì lỗi công bố thông tin giao dịch với "người có liên quan", đây như một hồi chuông cảnh báo chúng ta không thể xem nhẹ những dấu hiệu thiếu minh bạch.
Minh Thư