Một góc của Siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Cục Thống kê, Bộ Tài chính vừa công bố sáng 6/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,07% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng 1,37% so với tháng 12/2024 và 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, CPI 4 tháng đầu năm 2025 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,05%. Mức tăng CPI so với tháng trước chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng.
Cục Thống kê cho biết, 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, ghi nhận tăng giá. Bên cạnh đó, hai nhóm giảm giá và một nhóm giữ giá ổn định.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tác động lớn nhất đến CPI chung với mức tăng 0,12% so với tháng trước, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; trong đó, nhóm thực phẩm tăng 0,17% so với tháng trước. Tiêu biểu, giá thịt lợn tăng 0,8%, tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần trăm.
Cục Thống kê cho biết, dịch bệnh vẫn bùng phát ở một số tỉnh, thành, nguồn cung nhập lậu bị siết chặt, nhiều địa phương đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 cũng góp phần đẩy giá mặt hàng đi lên. Tính đến ngày 30/4, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 66.000 - 77.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhóm lương thực ghi nhận sự giảm giá đáng kể 0,65% so với tháng trước. Đáng chú ý, giá gạo giảm 0,96% do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng ổn định và giá gạo xuất khẩu giảm khi nhu cầu nhập khẩu của các nước suy giảm. Trên thị trường, giá gạo tẻ thường dao động từ 15.100-18.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.900 - 23.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 22.300 - 24.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.900 - 41.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có mức tăng cao với 0,11% so với tháng trước do chi phí sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06% so với tháng trước do nhu cầu tăng khi vào hè.
Đáng chú ý, nhóm giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất, tăng 0,62% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,12 điểm phần trăm. Cụ thể, giá thuê nhà tăng mạnh 0,57% do giá bán bất động sản ở mức cao, dẫn đến nhu cầu thuê nhà tăng. Hơn nữa, giá vật liệu xây dựng, chi phí đầu tư và vận hành tăng khiến nhiều chủ nhà tăng giá thuê để bù đắp chi phí. Cộng thêm, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,62% do giá cát đá, thép, gạch, ngói tăng vì ảnh hưởng chi phí nhập khẩu nguyên liệu và chính sách kích thích đầu tư công.
Thời tiết chuẩn bị vào Hè cũng tác động khiến giá điện sinh hoạt tăng 1% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện ở các địa phương phía Nam tăng cao trong thời tiết nắng nóng, giá nước sinh hoạt cũng tăng 1,57%.
Cục Thống kê cho biết, 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, ghi nhận tăng giá. Bên cạnh đó, hai nhóm giảm giá và một nhóm giữ giá ổn định. Ảnh: TTXVN
Cục Thống kê cũng cho biết, giá vàng trong nước đang biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 28/4/2025, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.220,07 USD/ounce, tăng 7,33% so với tháng 3/2025. Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh mới do bất ổn địa chính trị kéo dài, từ chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng tâm lý phòng ngừa rủi ro, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào vàng.
Bên cạnh đó, hoạt động mua vàng ồ ạt từ các ngân hàng Trung ương, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông, cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất đã góp phần đẩy giá vàng lên cao. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 10,54% so với tháng trước; tăng 37,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân bốn tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 32,85%.
Trong khi đó, giá đô la Mỹ (USD) trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới chủ yếu do nhu cầu mua USD tăng lên. Tính đến ngày 28/4/2025, chỉ số giá USD trên thị trường quốc tế đạt mức 100,77 điểm, giảm 3,05% so với tháng trước do căng thẳng địa chính trị trên thế giới, cùng với các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump khiến các nhà đầu tư bán USD và trái phiếu kho bạc Mỹ làm giảm giá trị đồng USD.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.974 đồng/USD; chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng 0,97% so với tháng trước; tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước; bình quân bốn tháng đầu năm 2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,52%.
Theo Cục Thống kê, một số yếu tố chính làm tăng CPI 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,86%, đóng góp 1,3 điểm phần trăm vào CPI chung; trong đó, giá thịt lợn tăng 13,46% do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng 5,26%, nguyên nhân giá nhà ở thuê và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, đóng góp 0,99 điểm phần trăm vào CPI chung.
Thêm vào đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,19%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào CPI chung do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,57%, tác động làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm.
Ngược lại, một số yếu tố đã góp phần giảm CPI trong giai đoạn này. Cụ thể, nhóm giao thông giảm 3,55%, kéo CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu giảm 12,43%. Nhóm bưu chính, viễn thông điều chỉnh xuống 0,56%, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm.
Cục Thống kê cho biết, với các yếu tố trên, lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,21% so với tháng 3 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%). Điều này cho thấy, giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là những yếu tố chính tác động làm tăng CPI, nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tháng 4, CPI tăng 0,07% do giá thuê nhà, thực phẩm tăng. Nguồn: Infographics.vn
Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN