Ngôi nhà mái tranh vách nứa nơi Bác trải qua thủa ấu thơ. Cảnh vật đơn sơ, giản dị như chính tâm hồn Người.
Tháng Năm, trong nắng đầu hạ vàng óng, dòng người hành hương tìm về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) không chỉ để dâng nén hương tri ân, mà còn để được lắng lòng, để soi mình sống đẹp hơn, tử tế hơn theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, quê hương Nam Đàn hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới trở thành huyện nông thôn mới tiêu biểu, đang vững bước trên hành trình trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.
Con đường vào Làng Sen uốn lượn bên triền lúa trĩu bông, rợp bóng hàng xà cừ cổ thụ xanh ngắt. Tháng Năm, cả Kim Liên như được "ướp" trong hương sen dịu ngọt. Những đầm sen vươn mình khoe sắc giữa nắng vàng rực rỡ, như vòng tay rộng mở đón những người con từ khắp mọi miền đất nước trở về Quê Chung.
Tháng 5, Kim Liên "ướp" trong hương sen ngào ngạt đón người con muôn phương về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Em nhỏ chăm chú nghe kể chuyện Bác Hồ.
Hôm nay, cũng như bao mùa tháng năm trước, từng đoàn người lại tìm về quê Bác. Dù là lần đầu tiên hay đã nhiều lần đặt chân đến đây, ai nấy đều không khỏi bồi hồi trước mái nhà tranh đơn sơ, vách nứa mộc mạc, bên luống lạc, hàng cau, bóng tre xanh rì rào kể mãi câu chuyện về một con người bình dị mà vĩ đại.
Từ TP Cần Thơ, em Duy Phương (20 tuổi) sinh viên Trường Cao đẳng FPT Cần Thơ lần đầu ra thăm quê Bác, hào hứng chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được nhà trường cho về thăm quê Bác, được nghe những câu chuyện về Bác qua cô thuyết minh em rất xúc động, nhận thức sâu sắc hơn cả cuộc đời Bác luôn lo cho dân, cho nước. Mỗi chuyển đi như thế này cho em rất nhiều bài học và trải nghiệm".
Từ thành phố Cần Thơ, đoàn sinh viên Trường Cao đẳng FPT Cần Thơ hào hứng được về thăm quê Bác.
Trước cổng vào Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Liên, ông Nguyễn Đình Thanh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) dừng lại, ngắm kỹ, các triển lãm chuyên đề về Bác Hồ được trưng bày công phu, bài bản với nhiều hình ảnh, tư liệu quý. Đây là lần đầu tiên ông được về thăm quê Bác.
"Tôi mong muốn được vào Nghệ An, thăm quê hương Bác Hồ kính yêu từ lâu rồi. Nhưng cuộc sống khó khăn, vất vả quá, lo nuôi con cái ăn học, sức khỏe lại yếu, không có điều kiện được đi đâu. Chờ mãi tới tận giờ mới được về quê Bác, cùng với anh em cựu chiến binh và cán bộ các đoàn, hội của khối xóm", ông Thanh xúc động nói.
Người cựu chiến binh tâm sự, từng là Bộ đội cụ Hồ, khoác trên mình áo lính, ai cũng mong muốn được một lần về với quê hương Kim Liên, Nam Đàn. Vừa để dâng hương cho Bác, vừa thăm nơi Người sinh ra, lớn lên thủa nhỏ.
"Quê Bác hôm nay thay đổi nhiều, đẹp đẽ hơn, mái nhà tranh quê nội, quê ngoại cùng nhiều kỷ vật được giữ nguyên, khuôn viên xung quanh phục dựng lại như xưa, cho tôi cảm giác thân thuộc. Bây giờ xe cộ thuận lợi rồi, sau lần này, tôi sẽ còn quay lại…", ông Thanh nói.
Ngõ vào nhà Bác với chiếc cổng tre, hàng râm bụt...
Đây là lần thứ 3, từ quê hương Quảng Trị, bà Nguyễn Mỹ Hạnh (cán bộ y tế hưu trí) về thăm quê Bác. Năm nay, bà đi cùng các con, các cháu. Cầm trên tay bó hoa huệ trắng, bà trang nghiêm, thành kính dâng lên Người với tấm lòng biết ơn vô hạn.
"Về thăm quê Bác cảm giác thân thuộc như về chính quê hương của mình. Năm nay đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, bản thân tôi rất xúc động, bồi hồi. Mong rằng quê hương Kim Liên nói riêng và quê hương Nghệ An nói chung ngày càng phát triển như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn", bà Hạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Nhất Thắng (81 tuổi, cựu tù Phú Quốc, quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) xúc động nói: "Từ mái nhà tranh đơn sơ này, Bác đã lớn lên, nuôi chí cứu dân, cứu nước, làm rạng danh đất Việt. Mỗi lần trở về nơi Bác sinh ra và trưởng thành, tôi lại thấy lòng mình bồi hồi, xúc động. Là người lính, từng trải qua gông cùm, tôi càng thấm thía hơn lý tưởng mà Bác đã theo đuổi cả đời. Chính vì thế, tôi luôn tự nhủ phải sống xứng đáng với Người, không ngừng học hỏi, rèn luyện, sống tử tế, sống có ích cho gia đình, quê hương và Tổ quốc".
Ông Nguyễn Nhất Thắng, 81 tuổi, cựu tù Phú Quốc, quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Tháng 5, về quê Bác không chỉ để tri ân. Mỗi người đến đây như được "soi mình" trong tấm gương giản dị, liêm khiết và vị tha của một con người vĩ đại. Để từ đó sống tử tế hơn, trách nhiệm hơn và biết ơn hơn với những điều nhỏ bé quanh mình.
Chuyến trở về có thể chỉ kéo dài vài giờ, nhưng dư âm còn theo mãi. Trước không gian yên bình và chan chứa nghĩa tình ấy, mỗi người con đất Việt đều tự nhủ với lòng mình: sống tốt hơn, sống đẹp hơn, để xứng đáng với Người!
Dòng người về thăm quê Bác dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Học sinh và giáo viên về thăm cụm di tích Làng Sen – quê ngoại Bác Hồ.
Các cháu học sinh tham quan Khu di tích Kim Liên.
Mắt các em sáng rực khi nghe kể về “ông Cụ tóc bạc” giản dị, thương dân, yêu trẻ.
Từ khắp mọi miền, người dân, học sinh, cựu binh, chiến sĩ… lặng lẽ đổ về Kim Liên. Không ồn ào, không náo nhiệt, chỉ có sự trang nghiêm, xúc động hiện rõ trong từng ánh mắt.
Du khách lắng nghe những câu chuyện gắn với hiện vật ở quê Bác.
Hàng năm, đặc biệt là vào dịp sinh nhật của Người, du khách muôn phương đã về đây để thăm và nghe kể về những năm tháng ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Làng Sen là địa chỉ đỏ, là nơi mỗi người dân soi lại bản thân để sống, học tập và lao động xứng đáng hơn với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoàng Trinh