Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài hơn 60 km, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng; dự án có điểm đầu tại huyện Thống Nhất, điểm cuối tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Để triển khai dự án, các địa phương cần thu hồi gần 380 ha đất. Đến nay, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa và chuyển hơn 800 tỷ đồng vốn bồi thường, hỗ trợ cho các địa phương.
Theo Ban Quản lý dự án giao thông Lâm Đồng, cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, dài khoảng 66km; trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài 11km. Để triển khai dự án ngành chức năng 2 tỉnh phải thu hồi hơn 500ha đất của nhiều tổ chức và gần 1.800 hộ đang sử dụng, có hơn 300 hộ cần bố trí tái định cư.
Trong số đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần thu hồi gần 90ha đất với hơn 400 hộ bị ảnh hưởng, có trên 100 hộ cần bố trí tái định cư. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương chuyển đổi đất rừng phục vụ dự án. Dự kiến tháng 6 tới nhà đầu tư sẽ hoàn thành cắm cọc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương.
Theo nhà đầu tư đề xuất dự án, Đường vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Nai dài gần 47km, điểm đầu tại huyện Cẩm Mỹ, điểm cuối tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng trên 10.000 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng. Để triển khai dự án Đồng Nai phải thu hồi hơn 480 ha đất của nhiều tổ chức và gần 1.700 hộ đang sử dụng.
Theo đơn vị tư vấn, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua Đồng Nai dài hơn 80km; dự án được xây dựng trên nền đường, trên cao và ngầm với 1 ga đặt tại sân bay Long Thành. Do đặc thù nên các ga tại đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu khoảng 70km, tuy nhiên, nếu tuyến đường sắt đi qua khu đô thị trên 100.000 dân thì khoảng cách tối thiểu sẽ được rút ngắn nhằm phát huy hiệu quả khai thác.
Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đề nghị Đồng Nai chỉ đạo ngành chức năng trong tỉnh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú; sớm bàn giao mặt bằng sạch để khởi công dự án vào tháng 8/2025. Nhanh chóng triển khai xây dựng khu tái định cư phục vụ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; rà soát, tìm kiếm quỹ đất để trồng rừng thay thế, tiến hành các bước giải phóng mặt bằng Đường vành đai 4 – TP Hồ Chí Minh, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đại diện các địa phương có dự án đi qua, với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, các địa phương đã phê duyệt dự toán bồi thường, đang hoàn thiện các thủ tục để kiểm đếm đất đai, tài sản; xây dựng khu tái định cư. Về các dự án còn lại, địa phương đã nắm thông tin về giải phóng mặt bằng, tái định cư nhưng do chưa được bàn giao mốc giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai các bước thu hồi đất.
Kết luận cuộc họp, ông Hồ Văn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai đang triển khai rất nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, thực tế tại các dự án như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh cho thấy, giải phóng mặt bằng chậm, chưa đạt yêu cầu. Ngay bây giờ các địa phương phải gấp rút đẩy nhanh giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, quan tâm xây dựng khu tái định cư. Theo kế hoạch, đến 30/6 chính quyền cấp huyện sẽ không còn, trong khi giải phóng mặt bằng hiện do cấp huyện đảm nhận.
Ông Hồ Văn Hà yêu cầu trong 45 ngày tới, các địa phương có cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đi qua phát động phong trào tăng tốc giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc, cuối tháng 6 tới phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, khi cấp huyện dừng hoạt động sẽ chuyển tiếp hồ sơ bồi thường để đơn vị liên quan tiếp tục triển khai. Sở Công Thương Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện việc di dời hệ hạ tầng điện trong phạm vi dự án, không để chậm trễ như các dự án trước đây.
Ông Hồ Văn Hà đề nghị đơn vị thực hiện Dự án Đường vành đai 4 – TP Hồ Chí Minh và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thống kê, cập nhật lại phạm vi giải phóng mặt bằng, vị trí hướng tuyến đi qua các xã trên địa bàn Đồng Nai. Đây là căn cứ để các xã tiến hành thu hồi đất khi cấp huyện không còn. Bổ sung thêm 1 ga đặt tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Công Phong (TTXVN)