Truyền thông rộng rãi
Để người dân có điểm tựa an sinh vững chắc khi về già, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Bắc Giang tích cực tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có hơn 11 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng hơn 1 nghìn người so với năm 2024). Riêng trong tháng 5 - Tháng cao điểm vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (gọi tắt là Tháng cao điểm), thành phố đặt mục tiêu phát triển thêm 615 người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cán bộ phường Tân An tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân.
Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó Trưởng Phòng Nội vụ thành phố, ngay khi tỉnh giao chỉ tiêu cho thành phố, phòng đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng phường, xã; kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (viết tắt là Ban Chỉ đạo) thành phố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Điểm tựa an sinh khi về già”, Tháng cao điểm năm nay, thành phố tập trung vào hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Những ngày qua, các phường, xã trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân tuyên truyền phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua hội thảo, hội nghị… Tại phường Đa Mai, Đảng ủy phường chỉ đạo phát động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cán bộ, đảng viên vận động người thân trong gia đình, dòng họ tham gia chính sách. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về những trường hợp trên địa bàn đã được nhận lương hưu từ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn T (sinh năm 1963) ở đường Bảo Ngọc, phường Đa Mai đã có 14 năm 1 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sau khi nghỉ làm, được cán bộ địa phương giới thiệu, ông đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho số năm còn thiếu. Từ tháng 1/2024, ông T chính thức được hưởng chế độ hưu trí với mức lương hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Giờ đây ông yên tâm hơn khi hằng tháng có thêm khoản tiền để chi tiêu.
Là đơn vị nhiều năm làm tốt công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm nay, Ban Chỉ đạo phường Dĩnh Kế tập trung tuyên truyền, giới thiệu về những điểm mới, ưu việt của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 tới đông đảo Nhân dân. Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND phường, trước đây, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có hai chế độ (hưu trí và tử tuất) nay đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản; giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Những điểm mới nổi bật của chính sách sẽ tạo thuận lợi cho địa phương khi vận động người dân tham gia.
Tích cực vào cuộc
Dù mới khởi động Tháng cao điểm song đến ngày 13/5, toàn thành phố đã có thêm 250 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một số phường, xã có kết quả vận động đạt cao như: Tân An, Xuân Phú, Tiến Dũng, Song Khê, Mỹ Độ, Dĩnh Kế, Tân Tiến, Đa Mai…
Đầu giờ chiều tại phòng làm việc của chị Đỗ Khánh Vân, công chức Văn hóa - Xã hội, đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phường Tân An đã có một số công dân đến hỏi về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó có chị Chu Thị Mười (sinh năm 1969) ở tổ dân phố Thượng đến nộp tiền duy trì hằng tháng. Chị Mười chia sẻ: “Tôi tham gia đến nay được một năm với mức đóng 264 nghìn đồng/tháng với mong muốn sau này về già có đồng ra đồng vào, không phiền hà con cháu”.
Để hoàn thành kế hoạch Tháng cao điểm, thời gian này, các phường, xã tiếp tục rà soát, lập danh sách nhóm khách hàng tiềm năng để vận động. Trong đó quan tâm đến những người lao động tự do, lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp, công ty.
Vừa làm thủ tục cho công dân, chị Khánh Vân cho hay, sau những buổi nghe truyền thông ở khu dân cư, nhiều người đã tìm đến phường để hỏi thêm về chính sách; khi hiểu được ý nghĩa, họ sẵn sàng tham gia. Như trường hợp của bà Trần Thị Thúy (sinh năm 1973) ở tổ dân phố Thượng Tùng vừa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng hơn 1 triệu đồng/tháng, tương đương thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, bà Thúy còn đăng ký cho chồng và anh trai tham gia.
Được biết, đến ngày 13/5, phường Tân An đã vận động được 35 người tham gia mới, vượt so với chỉ tiêu thành phố giao trong Tháng cao điểm là 6 trường hợp. Chị Đỗ Khánh Vân chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, tôi tham mưu cho Đảng ủy phường ban hành công văn chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội của phường cùng tham gia và giao chỉ tiêu đến từng đơn vị. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phân công 1-2 cán bộ, công chức phường phụ trách một tổ dân phố, hằng ngày, báo cáo tiến độ trên nhóm zalo để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở”.
Để hoàn thành kế hoạch Tháng cao điểm, thời gian này, các phường, xã tiếp tục rà soát, lập danh sách nhóm khách hàng tiềm năng để vận động. Trong đó quan tâm đến những người lao động tự do, lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp, công ty. Cùng đó quan tâm duy trì lượng người tái tục (những người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện) để bảo đảm tính bền vững.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người dân an tâm hơn vì được chi trả lương hưu khi không còn khả năng lao động hoặc hết tuổi lao động. Người dân tham gia được điều chỉnh lương hưu thường xuyên cùng với đối tượng cán bộ công chức, viên chức được hưởng lương hưu từ ngân sách, đồng thời có thể linh hoạt thời gian đóng theo điều kiện kinh tế gia đình.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm một phần chi phí (ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước) hoặc hỗ trợ tiền đóng lần đầu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên