Ảnh minh họa
Cuối cùng thì chuyến đò thời gian chở tháng Chạp, xuôi trên dòng sông đời người cũng vừa cập bến. Tháng của những khấp khởi, nôn nao đợi tết. Tháng của miền nhung nhớ bùi ngùi, ngoảnh nhìn lại vui buồn tựa áng mây qua. Tháng của hơi ấm từ những cuộc hồi hương sau dặm dài nơi xứ người, mải mê trên bước đường cơm áo.
Tháng Chạp, tôi nhớ đôi chân mẹ tất tả chợ xa, chợ gần để vun vén cho tết đang cận kề. Mẹ sẽ chuẩn bị đậu, nếp, lá chuối để sáng 30 tết cả nhà cùng gói bánh tét. Mắm muối, củi lửa trong bếp đủ đầy cho mâm cơm cúng, mời ông bà về cùng ăn tết.
Tôi nhớ những sáng tháng Chạp ngồi dưới hiên đợi mẹ trở về sau phiên chợ. Mẹ thường mua tôm cá đồng nội ngày mưa, cùng mớ củ kiệu, dưa cà muối chua cho ngày tết. Đôi khi nhìn dáng mẹ về chầm chậm trong mưa, vạt áo ướt nhòe, tôi nhận ra lâu lắm không thấy mẹ mua một xấp vải để may áo mới cho mẹ. Mẹ vẫn không quên dành cho chị em tôi quà bánh từ phiên chợ. Đôi khi đó chỉ là miếng cơm dừa ăn cùng thỏi đường tán hay thanh mía ngọt, bịch chè chuối, chiếc bánh trôi nước,… Thời thơ ấu, những quà bánh của mẹ gói theo cả vị tình thương, hương ký ức.
Tháng Chạp, mảnh vườn nhà được mẹ dọn sạch cỏ, gom hết lá rụng, cành cây mục, vun thành đống đợi khô. Rồi một chiều mẹ nhóm lửa, đốt lên những lọn khói la đà, tựa những tà áo gió trôi về phía xa hút. Mẹ chia mảnh vườn thành từng luống, giăng lưới vây quanh để tránh đàn gà. Những vạt nắng tháng Chạp màu vàng mật in bóng mẹ cuốc đất, gieo hạt mầm đợi tết. Bao mỡ màu từ đất đai quê nhà cùng những cần mẫn của đôi tay dạn dày nắng mưa đã vun bồi những vạt rau, chùm quả mướt xanh. Trên giồng dưa leo, liếp rau muống, trong khu vườn nhìn đâu đâu cũng nhận ra bóng hình của mẹ. Chợt nghĩ, tâm hồn tôi cũng như những hạt giống mẹ gieo xuống khu vườn, nương nhờ ân nghĩa đất mẹ quê cha mà lớn lên.
Tôi lớn lên, rong ruổi bao nẻo đường xa, mỗi khi ngang qua một miền khói lam chiều,thường nghĩ về những cuộc trở về. Và tháng Chạp chính là điệp khúc của những cuộc trở về như thế, khi mẹ từng ngày tóc trắng đa mang, còn lòng tôi mãi đồng vọng những tiếng gọi cội nguồn./.
Trần Văn Thiên