Tháng đầu năm, 6 mặt hàng tỷ USD được Việt Nam nhập khẩu là gì?

Tháng đầu năm, 6 mặt hàng tỷ USD được Việt Nam nhập khẩu là gì?
6 giờ trướcBài gốc
Nhập khẩu 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,89 tỷ USD, giảm 22,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,17 tỷ USD, giảm 8,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 giảm 2,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,2%.
Nhập khẩu tháng 1 chủ yếu là các mặt hàng nguyên phụ liệu sản xuất (Ảnh: TTXVN)
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2025, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 26,87 tỷ USD, chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025, thị trường Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm 38,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu chi tiết, tháng 1 có 6 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 9,73 tỷ USD. Nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước ta chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc với 3,22 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024; Hàn Quốc với 2,68 tỷ USD, tăng 19,9%; Đài Loan (Trung Quốc) với 1,53 tỷ USD, tăng 31,2%...
Đứng thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch xấp xỉ 4 tỷ USD. Kết quả này khá tương đồng cùng kỳ năm ngoái.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, chiếm tới 63,64% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng nhẹ gần 40 triệu USD so với cùng kỳ 2024.
Nhóm hàng tỷ đô còn lại là vải may mặc với kim ngạch xấp xỉ 1,1 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ 2024.
Tương tự nhiều nhóm hàng nhập khẩu chủ lực khác, Trung Quốc cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu vải may mặc nhiều nhất với tỷ trọng lên đến 71,48% (tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc trong tháng 1 là 772 triệu USD). So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc giảm 40 triệu USD.
Nâng cao sức cạnh tranh và cân bằng thương mại
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc. Đa phần trong đó là nguyên phụ liệu sản xuất, là không đáng lo. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng từ quốc gia này. Do đó, phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nội địa để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, từ đó giúp giảm bớt thâm hụt, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.
Cụ thể, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực vận chuyển, giảm chi phí logistics để năng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi không chỉ Bộ Công Thương mà cả Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương có chung đường biên giới cũng phải vào cuộc cải thiện hệ thống đường giao thông, đầu tư xây dựng kho bãi sát biên giới...
Còn theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường tỷ đô của Việt Nam gồm: Hàn Quốc đạt 4,2 tỷ USD, giảm 0,6%; ASEAN đạt 3,45 tỷ USD, giảm 4,3%; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 2,19 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản đạt 1,66 tỷ USD, giảm 14,7%; Hoa Kỳ đạt 1,16 tỷ USD, giảm 6,6%; EU đạt 1,01 tỷ USD, giảm 22,8%. Tính chung, tổng kim ngạch từ 7 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 25,72 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong tháng 1/2025.
Lan Phương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thang-dau-nam-6-mat-hang-ty-usd-duoc-viet-nam-nhap-khau-la-gi-375278.html