Mặt hàng sầu riêng đạt trên 3 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch xuất khẩu, tính đến hết tháng 10.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng vừa qua, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm, trong đó xuất khẩu sầu riêng giảm chủ yếu do sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ vào vụ nghịch.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt kỷ lục khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt 6-6,5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 11 tháng đã về đích sớm. Thành quả này là nhờ vào những thắng lợi tại các thị trường lớn, trong đó có thị trường tỷ dân – Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, mức tăng trưởng đạt trên 2 con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada, Trung Quốc và Mỹ.
“Với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Có được kết quả xuất khẩu về đích sớm này là nhờ nhiều “ngôi sao” trong cơ cấu chủng loại rau quả như mặt hàng sầu riêng, đạt trên 3 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch xuất khẩu, tính đến hết tháng 10. Bên cạnh đó, dừa xuất khẩu tăng 60,6%, chuối xuất khẩu tăng 26,8%, xoài tăng 43,5%, mít tăng 21,3%, hạt dẻ cười tăng 40,4%, hạnh nhân tăng 58,2%, dưa hấu tăng 53,7%…
“Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua", Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá.
Về thị trường lớn nhất là Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Đánh giá về thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.
Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, song trái cây Việt Nam vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador. Do đó, doanh nghiệp và nông dân nước ta vẫn phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Ðơn cử, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt...
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc rất lạnh và khắc nghiệt nên việc sản xuất rau củ gặp khó khăn. Thời điểm này, nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga... cũng khan hiếm. Trong khi đó, điều kiện khí hậu ở Việt Nam lại có thể thuận lợi sản xuất rau màu vụ Đông, nhất là tại miền Bắc. Vì vậy, khi xuất khẩu chính ngạch, sản xuất rau vụ Đông của Việt Nam sẽ giảm rủi ro và thu được lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến và các thương nhân Trung Quốc cũng nắm giữ hệ thống phân phối thực phẩm lớn nhất. Đây là lợi thế khi Việt Nam hợp tác, liên kết từ đó mở đường cho rau củ quả xuất chính ngạch sang thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đánh giá lạc quan rằng, dù cuối năm nguồn cung một số loại trái cây chủ lực giảm, nhưng nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với các hiệp định thương mại sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu.
Theo Thy Hằng/Diendandoanhnghiep.vn