Thành công chuyển đổi sang năng lượng xanh có thể là rủi ro mới

Thành công chuyển đổi sang năng lượng xanh có thể là rủi ro mới
6 giờ trướcBài gốc
Tàu hỏa cùng tàu điện ngầm ngừng hoạt động vì mất điện. Sân bay tại Lisbon, Madrid, Barcelona tê liệt. Đèn giao thông, dịch vụ điện thoại, ATM ở bán đảo Iberia đều bị vô hiệu hóa. Công ty Red Electrica vận hành lưới điện Tây Ban Nha ghi nhận nhu cầu giảm mạnh từ 27.500 megawatt xuống còn khoảng 15.000 megawatt. May mắn Hội đồng An toàn hạt nhân nước này thông báo các lò phản ứng hạt nhân vẫn an toàn nhờ kích hoạt máy phát điện khẩn cấp.
Phần lớn nguồn cung điện được khôi phục trong vòng 6 - 10 tiếng đồng hồ, nhưng khôi phục toàn bộ mạng lưới cần đến 1 tuần. Công ty RTE vận hành lưới điện của Pháp đang giúp đỡ bằng cách cung cấp 700 megawatt, sẽ tăng thêm khi mạng lưới Iberia tiếp nhận được.
Cảnh mất điện tại Tây Ban Nha - Ảnh: Ana Beltran/Reuters
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên sự cố. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro nhấn mạnh không có dấu hiệu cho thấy sự cố do tấn công mạng. Công ty REN vận hành lưới điện Bồ Đào Nha tuyên bố lưới điện Tây Ban Nha gặp lỗi liên quan đến “hiện tượng khí quyển hiếm gặp” gây ra bởi thay đổi nhiệt độ cực đoan. Cả REN lẫn Red Electrica đều báo cáo dao động mạnh trong mạng lưới khiến lưới điện Tây Ban Nha ngắt kết nối với hệ thống điện châu Âu rộng hơn.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy mất cân bằng điện áp có thể là nguyên nhân. Nhà phân phối điện Bồ Đào Nha E-Redes cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề trong hệ thống châu Âu, lưu ý rằng cần cắt điện có chọn lọc để giữ ổn định hệ thống.
Sự cố mới nhất gợi nhớ cuộc khủng hoảng tương tự cách đây gần 20 năm, khi một đường dây truyền tải điện cao thế ở Đức bị đóng để tàu biển an toàn di chuyển. Vụ việc dẫn đến tình trạng quá tải mạng lưới làm 15 triệu người khắp châu Âu chịu cảnh mất điện. Sau sự cố, Ủy ban châu Âu kêu gọi tăng cường phối hợp xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu thời gian thực và đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Đến năm 2021 lại xảy ra cháy rừng gần đường dây truyền tải cắt đứt bán đảo Iberia khỏi lưới điện châu Âu. Mặc dù loạt sự cố cộng thêm cuộc chiến Ukraine khiến an ninh năng lượng được quan tâm trở lại, hệ thống của lục địa già ngày càng phụ thuộc năng lượng tái tạo.
Cột mốc năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha
Ngày 16.4, Tây Ban Nha đón cột mốc đáng nhớ: lưới điện quốc gia hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo đủ sức đáp ứng nhu cầu của một ngày làm việc. Điện mặt trời, điện gió cùng thủy điện chiếm phần lớn sản lượng, lần lượt là 151 - 256 - 129 gigawatt giờ. Các nguồn khác bổ sung 22 gigawatt giờ. Vài ngày sau điện mặt trời lập kỷ lục mới khi đáp ứng được gần 70% nhu cầu cũng như đóng góp khoảng 62% tổng sản lượng.
Nhưng thành công chuyển đổi sang năng lượng xanh lại cho thấy rủi ro mới. Điện mặt trời chỉ được tạo ra vào ban ngày. Sản lượng điện đạt đỉnh vào khoảng giữa trưa thường không khớp với nhu cầu điện cao điểm thường vào buổi tối. Công suất điện mặt trời càng tăng thì chênh lệch càng lớn. Nếu không có cơ chế giữ cân bằng thì tình trạng ổn định của lưới điện sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt với hệ thống lâu đời và đã xuống cấp như của châu Âu.
Điểm yếu trong hệ thống
Với 600 triệu khách hàng được phục vụ bởi 39 đơn vị khai thác cấp quốc gia, hệ thống châu Âu là lưới điện lớn nhất thế giới. Mức độ kết nối cao cho phép trao đổi điện linh hoạt nhưng hạ tầng năng lượng đang xuống cấp dần. Tuổi đời trung bình của từng thành phần là 40 năm, hơn 60% cơ sở vật chất cần được sửa chữa hoặc hiện đại hóa. Ước tính việc nâng cấp cần đầu tư 654 tỉ USD, đến cuối thập niên này bổ sung 700 - 800 gigawatt năng lượng tái tạo.
Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha đặc biệt dễ bị tổn thương. Mặc dù 2 nước được kết nối hơn 95% thời gian, kết nối giữa bán đảo Iberia với phần còn lại của châu Âu lại khá kém. Tính đến năm 2022, Tây Ban Nha và Pháp chỉ chia sẻ 2,8 gigawatt điện, tổng công suất xuyên biên giới của Tây Ban Nha với mạng lưới Trung Âu chỉ gần 3.000 megawatt - thấp hơn mục tiêu kết nối 15% vào năm 2030. Do đó phần còn lại của châu Âu chẳng được hưởng lợi từ điện mặt trời ở bán đảo Iberia, Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha ít có khả năng hỗ trợ các quốc gia lân cận lẫn toàn châu Âu nếu lưới điện gặp sự cố.
Châu Âu đang nỗ lực giải quyết vấn đề. Hàng loạt dự án như cáp ngầm 2.200 megawatt kết nối Tây Ban Nha với Pháp qua vịnh Biscay, cáp 1.500 megawatt giữa Navarra với Landes, cáp 1.500 megawatt giữa Aragon với Masillon.
Giải pháp lưu trữ chưa đủ
Lưu trữ pin là giải pháp chính để quản lý biến động năng suất năng lượng tái tạo. Tây Ban Nha hiện vẫn tụt hậu so với nhiều nước châu Âu. Tính đến năm 2025 họ chỉ có 60 megawatt công suất hệ thống lưu trữ năng lượng pin, trong khi Anh có 5,6 gigawatt, còn Ý có 1 gigawatt, mặc dù nhu cầu lưu trữ của 3 nước ngang bằng nhau.
Tình trạng trên một phần do hạ tầng lưu trữ truyền thống làm giảm nhu cầu đầu tư pin, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ triển khai chậm trễ. Nhưng tăng khả năng lưu trữ chắc chắn là việc cấp thiết. Tây Ban Nha đã vạch ra kế hoạch quốc gia đặt mục tiêu nâng tổng công suất lưu trữ lên 22,5 gigawatt vào năm 2030.
Bài học từ sự cố mất điện
Sự cố mất điện ngày 28.4 không phải vấn đề của chỉ một khu vực nhỏ mà còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của toàn châu Âu. Đây là thành phần quan trọng trong nỗ lực tăng cường khả năng tự chủ, nhưng để đạt được cần đầu tư hiện đại hóa lưới điện, tăng giải pháp lưu trữ, tăng cường kết nối liên quốc gia.
Thành công chuyển đổi sang năng lượng xanh có thể trở thành rủi ro mới nếu hạ tầng không đủ tốt. Châu Âu cần giải quyết tất cả vấn đề nêu trên.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thanh-cong-chuyen-doi-sang-nang-luong-xanh-co-the-la-rui-ro-moi-232230.html