Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, vàng tiếp tục chứng minh giá trị vượt trội của mình trong năm 2024. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự tăng trưởng của vàng trong năm qua không chỉ dựa trên các yếu tố tài chính, mà còn xuất phát từ các nguyên nhân “phi tài chính và địa chính trị” đầy bất ngờ.
Vàng và bạc hoạt động tốt khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng một động lực khác là rủi ro địa chính trị. Ảnh: PR
Năm 2024, vàng ghi dấu ấn mạnh mẽ với mức tăng giá ấn tượng hơn 32% so với đầu năm, đạt mức 2.760 USD/ounce vào giữa tháng 12, gần chạm ngưỡng kỷ lục 2.800 USD/ounce. Trong khi đó, bạc thậm chí còn vượt trội hơn với mức tăng 36% trong cùng kỳ.
Đây là thành tựu đáng kinh ngạc trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất điều hành. Từ tháng 3/2022 đến cuối năm 2024, lãi suất đã tăng thêm 525 điểm cơ bản – chu kỳ tăng nhanh nhất trong 40 năm qua. Thông thường, việc tăng lãi suất sẽ gây áp lực tiêu cực lên giá vàng, nhưng năm 2024 lại chứng kiến xu hướng ngược lại.
Giới chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng của vàng được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trước những rủi ro địa chính trị gia tăng. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) nêu rõ:
“Giá vàng tăng mạnh, phá vỡ mối quan hệ truyền thống giữa giá vàng và dòng chảy từ các quỹ ETF hay lãi suất thực của Mỹ. Sự nhảy vọt này phản ánh động thái mua vào từ các nhà đầu tư với mục tiêu phi tài chính, chủ yếu xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị”.
Những yếu tố địa chính trị nổi bật năm 2024
Cuối năm 2024, bất chấp việc đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vàng vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố rủi ro toàn cầu.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nối lại hoạt động mua vàng sau bảy tháng gián đoạn, như một biện pháp phòng ngừa sự mất giá của đồng nội tệ và đa dạng hóa dự trữ. Bloomberg nhận định: “Việc mua vào bất chấp giá vàng đang ở mức cao kỷ lục cho thấy Trung Quốc quyết tâm bảo vệ tài sản của mình trước nguy cơ suy giảm tiền tệ”.
Cuộc khủng hoảng tại Syria bùng nổ khi thủ đô Damascus rơi vào tay quân nổi dậy, đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng tăng vọt. Tương tự, việc Hàn Quốc lần đầu tiên trong 40 năm ban bố thiết quân luật dù chỉ kéo dài vài giờ cũng làm dấy lên làn sóng quan tâm mạnh mẽ tới vàng.
Những yếu tố trên góp phần đẩy giá vàng tăng thêm 4% và bạc tăng 4,5% trong thời gian ngắn, khẳng định vai trò của kim loại quý này như một tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu.
Triển vọng cho năm 2025
Khi các lo ngại hậu bầu cử tại Mỹ lắng xuống, nhiều tổ chức tài chính lớn tiếp tục đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng của vàng trong năm 2025. Goldman Sachs nhận định giá vàng có thể chạm mức 3.150 USD/ounce, nhờ các yếu tố như bất ổn địa chính trị, lạm phát và lo ngại về tài chính công. Ngân hàng Bank of America và UBS cũng đồng tình với những dự báo này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn tiếp tục tăng cường mua vàng nhằm đối phó với lạm phát và khủng hoảng, thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào khả năng bảo vệ tài sản của kim loại quý.
Cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân
Không chỉ các tổ chức lớn, nhà đầu tư cá nhân cũng có xu hướng tìm kiếm vàng và bạc như một công cụ bảo vệ tài sản. Trong đó, hình thức đầu tư thông qua tài khoản hưu trí vàng (gold IRA) - một tài khoản được cơ quan thuế Mỹ phê duyệt đang ngày càng phổ biến nhờ tính tiện lợi và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Dù không ai có thể đoán trước tương lai, thành công của vàng trong năm 2024 và những dự báo tích cực cho năm 2025 là minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn của kim loại quý này trong bối cảnh đầy biến động của thế giới.
Dũng Phan (Theo Jerusalem Post)