Quyết định hợp lý, hợp lòng dân
Theo phương án ban đầu trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này sẽ sắp xếp từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường; trong đó có 147 xã và 19 phường (giảm 381 đơn vị xã, phường, thị trấn).
Đối với việc đặt tên xã, phường mới, nhiều huyện, thị xã, thậm chí là TP. Thanh Hóa đã lựa chọn phương án số hóa tên gọi, đặt tên một cách cơ học là tên cấp huyện đi kèm với số thứ tự 1, 2, 3…
Cử tri tham gia ý kiến về chủ trương sáp nhập xã trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Ảnh: Phong Sắc
Cách làm này nhằm đơn giản hóa quá trình quản lý hành chính, tuy nhiên lại bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu sự gắn kết với truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời của địa phương. Phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận; nhiều người dân cho rằng phương án số hóa tên gọi này sẽ làm mất đi bản sắc riêng, khiến các địa danh, di tích nổi tiếng dần bị lu mờ.
Đơn cử như tại xã Yên Trường, huyện Yên Định, vào ngày 11/12/1961, trong lần thứ 4 về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường - một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng hợp tác xã của tỉnh Thanh Hóa và cả nước lúc bấy giờ.
Đến năm 1993, Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường thuộc thôn Lựu Khê, xã Yên Trường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Chính vì vậy nhiều người dân địa phương bày tỏ sự băn khoăn, tiếc nuối khi 1 địa danh Yên Trường, gắn với kỷ niệm Bác Hồ về thăm sẽ không còn, thay vào đó sẽ là xã Yên Định 2 theo phương án mà huyện Yên Định đưa ra.
Thế nhưng sau đó, trong quá trình lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng như các góp ý của chuyên gia, cử tri, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thay đổi phương án đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập trên toàn tỉnh, trong đó có xã Yên Trường. Đây là bước điều chỉnh hợp lý, thể hiện sự cầu thị của chính quyền và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Một góc xã ven biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: Quốc Huy
Quyết định hợp lòng dân nói trên được cụ thể hóa tại Nghị Quyết số 648 ngày 28/4/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Tại Nghị quyết này, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sửa đổi tên của 49 đơn vị hành chính cấp xã mới (thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố) có gắn với số thứ tự như Yên Định từ 1 đến 7, Hoằng Hóa từ 1 đến 8, Nga Sơn từ 1 đến 6, Ngọc Lặc từ 1 đến 6, Nghi Sơn từ 1 đến 10.
Thay vào đó, các tên gọi mới sẽ được lựa chọn từ các địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử,… có từ lâu đời, nổi tiếng tại từng địa phương.
“Chúng tôi thấy việc giữ lại tên Yên Trường là điều đúng đắn, rất hợp lý, hợp lòng dân vì nơi đây từng được Bác Hồ về thăm vì thành tích nổi bật của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường khi đó. Đó là một điều vinh dự mà không phải nơi nào cũng có được”, ông Ngô Văn Thanh, một cán bộ hưu trí tại xã Yên Trường chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được”
Việc đặt tên xã, phường mới gắn với các địa danh, ưu tiên yếu tố văn hóa – lịch sử không chỉ giúp người dân dễ dàng nhận diện, gắn bó và tự hào với tên gọi quê hương mình mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống, khẳng định bản sắc riêng của từng vùng đất.
Việc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thu, lắng nghe nhân dân đã minh chứng rõ ràng cho việc, địa phương này đang thực hiện cải cách hành chính không đơn thuần là sắp xếp bộ máy một cách cơ học mà còn chú trọng đến yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như tôn trọng ý kiến của người dân.
Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối trong nhân dân và được nhân dân đánh giá là phù hợp với xu thế đặt tên gắn với địa danh tại các địa phương khác trong cả nước.
Thanh Hóa quyết định lựa chọn phương án đặt tên xã, phường gắn liền với yếu tố văn hóa - lịch sử là một quyết định hợp lý, hợp lòng dân. Ảnh Phong Sắc
Giống như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi” (trích trong bài “Sẽ được mấy lâu?”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 122, đầu tháng 7/1953); nếu mọi quyết định đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của nhân dân thì dù là việc lớn, việc khó cũng trở nên suôn sẻ, dễ thành công.
Ngược lại, nếu chủ trương, chính sách đi ngược với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân thì dù có tổ chức, điều hành, triển khai tốt đến đâu cũng gặp trắc trở, thậm chí đổ vỡ.
Trong bối cảnh Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính đi đôi với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững và hài hòa.
Quốc Huy