Công an tỉnh Thanh Hóa lấy lời khai những người xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc trực tuyến lừa đảo trái phép. (Ảnh: CATH cung cấp_
Theo thống kê hiện của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương này đang có 2.242 trường hợp cư trú, lao động trái phép tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, diện xuất cảnh trái phép là 1.535 trường hợp, lợi dụng các hình thức du lịch, du học, xuất khẩu lao động (hết hợp đồng lao động hoặc vi phạm hợp đồng lao động (XKLĐ) trốn ở lại nước ngoài trái phép là 707 trường hợp. Trong số này, cơ bản là những trường hợp đã xuất cảnh từ những năm trước chưa trở về.
Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, những địa phương hiện đang có đông công dân cư trú, lao động trái phép tại nước ngoài, như các huyện: Hậu Lộc; Quảng Xương; Đông Sơn; Nông Cống; Mường Lát; Thiệu Hóa; TP Thanh Hóa; Thường Xuân....
Trong số công dân xuất cảnh lao động trái phép ở nước ngoài hiện nay, nổi lên tình trạng công dân xuất cảnh, lao động trái phép tại Campuchia.
Những công dân này đều được người môi giới dùng mạng xã hội liên lạc, hứa hẹn sẽ tìm kiếm việc làm giúp, bố trí “việc nhẹ lương cao” với mức từ 800-1.000 USD/tháng.
Họ hướng dẫn công dân cách thức di chuyển Thanh Hóa vào TPHCM. Sau đó, sẽ có xe đón đưa đến Mộc Bài (Tây Ninh).
Tại đây, công dân được người môi giới đón, đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch mà không làm thủ tục xuất cảnh. Cá biệt, có trường hợp bị đánh thuốc mê rồi đưa sang Campuchia.
Tại Campuchia, cơ bản những người này được đưa vào làm việc tại các sòng bạc hoặc các trung tâm lừa đảo trá hình trên không gian mạng xã hội do các ông chủ là người nước ngoài điều hành.
Các trường hợp trên, một số ban đầu được sòng bạc hứa hẹn trả mức lương từ 600-800 USD/tháng. Tuy nhiên, sau này do không làm đủ chỉ tiêu, nên bị trừ lương, thậm chí bị phạt hoặc bị đánh đập dã man.
Trao trả và tiếp nhận công dân Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). (Ảnh: Công an Thanh Hóa)
Một số người mong muốn quay về Việt Nam, nhưng bị đòi tiền chuộc. Có trường hợp bị đòi tiền chuộc lên tới 6.000 USD. Một số người khác muốn bỏ trốn khỏi sòng bạc khi biết mình bị lừa, nhưng sòng bạc bố trí người canh gác, nhiều camera giám sát. Khi phát hiện lao động bỏ trốn, người của sòng bạc lập tức bắt giữ, đánh đập, nên họ không thể về Việt Nam...
Trước các thủ đoạn xuất nhập cảnh trái phép của công dân ra nước ngoài làm việc, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo: Đối với công dân muốn xuất cảnh ra nước ngoài lao động, cần tìm hiểu kỹ công việc đang tuyến, tìm hiểu về công ty đưa người ra nước ngoài làm việc.
Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, công dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được xuất cảnh hợp pháp.
Tuyệt đối không nghe và làm theo hướng dẫn của người môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh, lao động trái phép.
Cảnh giác, nắm và nhận diện được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính nhân thân, lai lịch của người đó. Kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép cho cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồng Đức