Thanh Hóa cho phép nhận chìm chất nạo vét xuống biển

Thanh Hóa cho phép nhận chìm chất nạo vét xuống biển
3 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Giấy phép số 17/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn được nhận chìm chất nạo vét dự án nạo vét vũng quay trở tàu, luồng nhánh và khu neo đậu phục vụ cho Cảng tổng hợp Long Sơn.
Chất nạo vét là cát nhỏ và sét pha
Theo giấy phép, khối lượng chất nhận chìm là 500.000 m3 có thành phần là cát hạt nhỏ và sét pha. Chất nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Cảng tổng hợp Long Sơn nơi thực hiện dự án nạo vét. Ảnh: XM Long Sơn
Địa điểm khu vực biển nhận chìm: Thuộc vùng biển thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (thuộc khu vực biển tại Phụ lục 2 của Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho tiếp tục được nhận chìm chất nạo vét vũng quay trở tàu, luồng nhánh và khu neo đậu tàu phục vụ cho Cảng Tổng hợp Long Sơn tại Công văn số 18694/UBND-NN ngày 17/12/2024). Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích là: 175 ha, độ sâu sử dụng từ -17,5 m đến -15,3m, được giới hạn bởi các điểm góc LS1A1, LS2A1, LS3A1, LS61 có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển kèm theo Quyết định này.
Phương tiện chuyên chở: Sử dụng 02 tàu hút bụng có công suất từ 1.500 tấn đến 4.000 tấn, 08 tàu xả đáy công suất từ 1.000 tấn đến 3.500 tấn, 04 tàu kéo công suất từ 3000 CV đến 5000 CV và một số phương tiện dự phòng. Hình thức nhận chìm chất nạo vét: Theo hình thức xả đáy. Thời gian đề nghị nhận chìm: 24 tháng kể từ ngày ký Giấy phép nhận chìm ở biển.
Cơ quan quản lý giám sát hành trình qua thiết bị gắn trên phương tiện vận chuyển
Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa; thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát hoạt động nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp và các cơ quan có liên quan làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật, chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định tại Điều 1 của Giấy phép này và trong dự án nhận chìm ở biển; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.
Trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của chất nạo vét theo Điều 1 Giấy phép này hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển chất nhận chìm hoặc một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đăng ký các phương tiện chuyên chở chất nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm: Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh; ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Lập phương án đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; thực hiện thi công nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong khu vực; chấp hành đúng quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc ảnh hưởng đến việc vận hành vũ khí trang bị, kỹ thuật do tác động của hoạt động nhận chìm gây ra thì phải tạm dừng và phối hợp với cơ quan quân sự các cấp xác định biện pháp khắc phục, xử lý đúng quy định…
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thanh-hoa-cho-phep-nhan-chim-chat-nao-vet-xuong-bien-371864.html