Thanh Hóa có 80 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Thanh Hóa có 80 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
7 giờ trướcBài gốc
Việc tỉnh xây dựng mã số vùng trồng đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như chuẩn hóa qui trình chăm sóc, quản lý cây trồng, giúp cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, qua đó tạo thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo con đường chính ngạch.
Tại huyện Yên Định để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nông sản, UBND huyện đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản. Việc xây dựng mã số vùng trồng đòi hỏi phải chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Malaysia…
Yên Định đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp 39 mã số vùng trồng xuất khẩu; trong đó 24 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, 15 mã số xuất khẩu đi Malaysia, tổng diện tích mã số vùng trồng cây ớt là 123 ha với 746 hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng được 11 mã số vùng trồng cây nội địa gồm ớt, bí, rau màu, bưởi…
Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp địa phương này truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình, đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của thị trường Tại xã Định Liên, nhiều nông dân đã tham gia hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và đã được cấp mã số vùng trồng nhiều diện tích trồng cây ớt trên dịa bàn, nhờ đó sản phẩm đượ cung cấp ra nước ngoài chính ngạch, được đối tác tin tưởng.
Ông Lưu Tài Sắng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Định Liên, huyện Yên Định cho biết, thời gian qua, việc triển khai cấp mã số vùng trồng đang mang lại nhiều lợi ích, giúp cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chuẩn, từ khâu quản lý dịch bệnh, cũng như rút ngắn thời gian, giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất tạivùng trồng. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ vận động người dân, kiến nghị cấp trên xây dựng thêm mã số vùng trồng để cây trồng nông nghiệp có uy tín trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nhiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định cho hay, các mã số vùng trồng trên địa bàn huyện đang được duy trì tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đảm bảo an toàn thực phẩm, không vi phạm theo quy định của đơn vị xuất khẩu đối với mã số vùng trồng. Tới đây, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì mã số vùng trồng và tập huấn canh tác trên diện tích được cấp mã ố, qua đó giúp nông dân có thêm kiến thức, kĩ năng trong phát triển nông nghiệp, đồng thời có thể xuất bán hàng hóa một cách ổn định, lâu dài, góp phần tăng thêm thu nhập cho người làm ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành, huyện Nông Cống, đơn vị đã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm ngô ngọt đóng hộp và dứa đóng hộp được xuất khẩu đi thị trường Nga, EU, Hàn Quốc. Đơn vị này luôn nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm hiểu, đổi mới các quy trình sản xuất, xử lý, hấp, sấy để sản phẩm giữ được chất lượng phù hợp với môi trường để xuất khẩu bán ra nước ngoài.
Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành cho biết, công ty đang tạo việc làm cho 40 lao động, khi đã có mã vạch vùng, hàng hóa của đơn vị được đưa ra nước ngoài tự tin hơn, điển hình như củ tỏi trong lọ dưa cũng phải lấy tỏi của Việt Nam sản xuất và phải có vùng trồng. Nếu 5 năm trước, thị trường châu Âu và Trung Đông là thị trường tiềm năng, đến nay các sản phẩm dứa đóng hộp, dưa chuột bao tử của công ty đã xuất khẩu sang 16 nước châu Âu và Canada. Để xuất khẩu sang những thị trường khó tính, công ty đã liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để đảm bảo chất lượng đầu vào, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường thế giới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, đối với mã vùng trồng xuất khẩu, tỉnh đã cấp được 80 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 655,9 ha; trong đó có 47 mã số vùng trồng cây ớt, 26 mã số cây lúa, 2 mã số cây khoai lang… Các vùng trồng sau khi được cấp mã số tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy sản xuất kinh tế, đồng thời, mang lại lợi ích cho người dân như chuẩn hóa quá trình chăm sóc, cảnh báo dịch bệnh, ước lượng được năng suất.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Trạm kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết, vùng trồng được cấp mã số đã thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, cũng như giúp cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt hơn để đáp ứng thị trường khó tính, tạo điều kiện doanh nghiệp và người sản xuất liên kết nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ tăng cường thiết lập vùng trồng và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền hướng dẫn thiết lập, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản để phục vụ xuất khẩu đến với các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, thực việc việc rà soát, đánh giá vùng trồng có tiềm năng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, khuyến cáo các vùng sản xuất trồng trọt đủ tiêu chuẩn xây dựng vùng sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu, an toàn dịch bệnh.
Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng sẽ xây dựng bản hướng dẫn kĩ thuật từng loại cây trồng cho từng thị trường nhập khẩu cụ thể trên từng loại sản phẩm khác nhau, chú trọng yêu cầu về quản lý sinh vật gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đảm bảo yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh.
Nguyễn Đình Nam/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thanh-hoa-co-80-ma-so-vung-trong-phuc-vu-xuat-khau/357477.html