Mặc dù đã có biển cấm nhưng xe tải vẫn vô tư đi qua.
Trước đó, Báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh “Thanh Hóa: xe tải ngang nhiên đi qua đoạn đường có biển cấm” tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Thời điểm đó, ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông khẳng định xe tải được phép lưu thông trên tuyến đường Hoàng Giang- Minh Nghĩa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nông Cống cho biết, việc các xe tải di chuyển qua lại tại nút giao cắt giữa tuyến đường Hoàng Giang - Minh Nghĩa với đường sắt tại thời điểm Báo phản ánh là vi phạm.
Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập trên là do quá trình triển khai thực hiện dự án đường từ nút giao Văn Trinh đường tỉnh lộ 504 đến đường Nghi Sơn - Sao Vàng, chủ đầu tư đã mượn tuyến đường từ xã Hoàng Giang đi xã Minh Nghĩa (có đi qua đường sắt) để phục vụ xây dựng dự án.
Để đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao này, ngày 24/4, đại diện UBND huyện Nông Cống đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Quảng Xương (chủ đầu tư), Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, Công an huyện Nông Cống, UBND xã Tế Nông. Các bên đã thống nhất dùng tuyến đường trên để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dự án, đồng thời đưa ra các phương án đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
Sau khi dự án cơ bản đã hoàn thành (không cần dùng tuyến đường trên để vận chuyển vật liệu), để đảm bảo an toàn, bảo vệ cho đường sắt, ngành đường sắt đã đặt biển cấm xe tải ở 2 đầu điểm giao cắt.
Cũng theo ông Sơn, trước đây huyện đã nhiều lần kiến nghị với Cục Đường sắt Việt Nam về tuyến đường trên, do đây là tuyến đường lịch sử để lại, phục vụ giao thông giữa 2 xã Hoàng Giang và Minh Nghĩa nên việc lưu thông là nên có. Tuy nhiên, phía đường sắt cho biết, nút giao cắt trên thuộc lối đi tự mở, hiện Nhà nước đang xóa bỏ các lối đi tự mở. Nút giao trên không nằm trong vị trí điểm giao cắt do đó ngành đường sắt đang yêu cầu địa phương xóa bỏ. Hiện tại, huyện chưa có kinh phí làm đường gom về vị trí giao cắt nên vẫn để cho người dân và xe thô sơ đi lại còn xe tải thì cấm theo đúng biển cấm.
Điểm giao cắt này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo tìm hiểu, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103km. Tuyến đường bắt đầu từ Km137+300 thuộc địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, điểm cuối là Km 238+500 thuộc địa bàn xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Trên toàn tuyến có 136 điểm giao cắt, trong đó, có 69 đường ngang hợp pháp và 67 lối đi tự mở, trải dài qua 44 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố.
Tại một số địa phương, do mật độ tham gia giao thông đông nhưng thiếu đường gom nên người dân tự ý mở các lối đi ở các khúc cua đường ray, dẫn đến nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.
Để xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn, năm 2024 đến nay, Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa đã phối hợp cùng Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thanh, Đội Thanh tra an toàn đường sắt số 4 - Cục Đường sắt Việt Nam và các cấp chính quyền trong tỉnh Thanh Hóa tổ chức rào đóng, xóa bỏ 11 lối đi tự mở, đồng thời không để phát sinh thêm, góp phần đảm bảo giữ vững hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Tại xã Tế Nông, tuyến đường nối 2 xã Hoàng Giang và Minh Nghĩa giao nhau với đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (tại Km192+375) không phải đường ngang hợp pháp và đã tồn tại từ lâu. Lối đi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông do tầm nhìn bị che khuất. Năm 2022, tại vị trí giao cắt này đã từng xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô tải.
Hiền Thinh