Chuyển đổi số nông thôn đang trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo bước đột phá cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, khó khăn về hạ tầng, thiết bị và nguồn nhân lực chuyên môn vẫn là thách thức cần tháo gỡ để quá trình chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa có chia sẻ về những kết quả đạt được và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Chuyển đổi số nông thôn còn khó khăn về hạ tầng và nhân lực
Thanh Hóa đã nắm bắt tốt cơ hội từ chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông có thể chia sẻ bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cũng như những kết quả bước đầu?
Ông Bùi Công Anh: Tỉnh Thanh Hóa xác định rằng chuyển đổi số là một trong những cơ hội quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới thành công. Vì vậy, từ năm 2021, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về chuyển đổi số trên địa bàn, đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Chuyển
Hằng năm, tỉnh đều có các kế hoạch triển khai cụ thể. Mặc dù Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo nhưng chúng tôi đã nỗ lực bố trí nguồn lực khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh đã có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 12 xã tiêu biểu về triển khai chuyển đổi số. Ngoài ra, 38 thôn thông minh đã được công nhận nhờ ứng dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại, đặc biệt là kết nối internet.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa phát động triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế xã hội đến y tế, an ninh trật tự. Nổi bật là lĩnh vực y tế, tỉnh đã triển khai sổ khám bệnh điện tử từ tuyến tỉnh, huyện đến tất cả trạm y tế cấp xã. Bên cạnh đó, chỉ số y tế cá nhân cũng đã được cập nhật, góp phần quản lý sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn.
Về thương mại, dịch vụ, tại các cửa hàng tiện lợi ở các xã xây dựng nông thôn mới, người dân đã có thể thanh toán điện tử qua mã QR, giúp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong đời sống kinh tế nông thôn.
Về an ninh trật tự, tỉnh đã xây dựng hơn 400 mô hình camera an ninh với hơn 1.400 mắt camera được lắp đặt tại các thôn, xã. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự đã được cải thiện rõ rệt các hành vi như trộm cắp hay gây rối trật tự xã hội gần như không còn, mang lại cảm giác an toàn cho người dân.
Từ góc độ địa phương, việc triển khai chuyển đổi số nông thôn còn gặp phải những khó khăn gì, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thưa ông?
Ông Bùi Công Anh: Đối với Thanh Hóa, chúng tôi có 11 huyện miền núi, 163 xã và 1.334 thôn bản, thuộc khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phụ nữ Thanh Hóa, đặc biệt ở vùng núi phía Bắc, cũng đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận và tham gia chuyển đổi số.
Nhìn trên bình diện chung, khu vực đồng bằng của Thanh Hóa đã triển khai chuyển đổi số khá tốt. Chúng tôi có nhiều mô hình hiệu quả trong sản xuất, quản lý, y tế, an ninh trật tự nhưng phần lớn các mô hình này vẫn tập trung ở miền xuôi.
Tại miền núi, rào cản lớn nhất chính là hạ tầng. Hiện tỉnh đang nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông. Đến nay, 100% xã trên toàn tỉnh đã có Internet, và chúng tôi đang tiếp tục phấn đấu để mỗi hộ gia đình đều được kết nối mạng băng rộng đến tận thôn, bản.
Tuy nhiên, có hạ tầng rồi nhưng thiết bị lại là một vấn đề lớn. Không phải người dân nào cũng có điều kiện để mua smartphone hay máy tính xách tay để ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Ở các xã miền núi, lực lượng lao động chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, dân cư lại sống phân tán, khiến chi phí đầu tư cho hạ tầng rất cao, trong khi hiệu quả sử dụng bị hạn chế.
Một rào cản khác là trình độ dân trí và nhận thức công nghệ. Người dân ở đây tuy biết đọc, biết viết, nhưng khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Việc sử dụng thiết bị số, phần mềm quản lý hay kỹ năng số cơ bản vẫn là một thách thức lớn.
Mặc dù hiện nay đã có một số bạn trẻ triển khai các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nhưng số lượng vẫn còn rất ít. Thực tế cho thấy, dù chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai hơn 10 năm, thì chuyển đổi số chỉ mới được khởi động khoảng 3 - 4 năm trở lại đây và vẫn đang trong giai đoạn đầu.
Đặc biệt, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như người Mông vẫn còn khó khăn trong giao tiếp tiếng phổ thông, nhất là với phụ nữ, gây trở ngại lớn trong việc tiếp nhận đào tạo, tập huấn và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn kinh phí. Ông có thể chia sẻ địa phương có giải pháp nào để huy động xã hội hóa hoặc tranh thủ nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia?
Ông Bùi Công Anh: Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn lực đầu tư. Để tháo gỡ, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương triển khai các dự án phù hợp.
Cùng với đó, chúng tôi chủ động kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ, Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông tại một số bản vùng sâu, vùng xa. Nhiều doanh nghiệp trẻ, các bạn khởi nghiệp tại địa phương cũng đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người dân.
Tỉnh cũng có các chương trình hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, lồng ghép chuyển đổi số vào hoạt động thực tiễn, từ đó đào tạo trực tiếp, nhân rộng mô hình và tạo lan tỏa cộng đồng.
Đặc biệt, chương trình OCOP của Thanh Hóa đang ứng dụng chuyển đổi số rất hiệu quả. Tính đến nay, tỉnh đã có hơn 200 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử với 100% sản phẩm OCOP của Thanh Hóa đều có mặt trên nền tảng số.
Chúng tôi hiện đã xây dựng các website riêng để giới thiệu sản phẩm OCOP, trong đó các sản phẩm OCOP ở miền núi chiếm tỷ lệ đáng kể. Đây chính là bước đi ban đầu quan trọng giúp người dân nhận thấy rõ lợi ích thực tế của chuyển đổi số.
Khi thấy được hiệu quả từ quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường đến nâng cao giá trị nông sản người dân sẽ chủ động điều chỉnh cách thức sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, và quan trọng hơn là chủ động trang bị thiết bị, kiến thức số cho bản thân.
Đây là điều hết sức quan trọng, bởi muốn thành công trong chương trình chuyển đổi số nông thôn thì không thể thiếu lực lượng nòng cốt, chính là người dân, những người trực tiếp áp dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.
Nếu không có lực lượng người dân làm chủ được công nghệ, không hình thành được thói quen và tư duy số trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thì mọi hạ tầng, ứng dụng hay chính sách cũng không thể phát huy hiệu quả.
Vì vậy, bên cạnh hạ tầng, chính sách, mô hình và hỗ trợ kỹ thuật, việc nâng cao năng lực và nhận thức chuyển đổi số cho người dân là yếu tố quyết định thành công trong tiến trình này.
Kinh tế số tạo động lực lớn cho đặc sản địa phương và nông nghiệp
Kinh tế số là một trong ba trụ cột quan trọng trong chương trình chuyển đổi số nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tại địa phương, trụ cột này đã được cụ thể hóa như thế nào trong thực tiễn, thưa ông?
Ông Bùi Công Anh: Chúng tôi nhận thấy rằng lợi ích của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế là rất lớn và Thanh Hóa đã chủ động vào cuộc từ rất sớm.
Hiện nay, tỉnh có một lực lượng lao động trẻ, được đào tạo bài bản. Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học không chọn làm việc ở nơi khác mà quay về quê khởi nghiệp, xây dựng cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của riêng mình. Đây cũng chính là lực lượng đang ứng dụng công nghệ số rất tốt.
Thanh Hóa phát động triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế xã hội đến y tế, an ninh trật tự. Ảnh minh họa
Tỉnh hiện có hơn 70 trang trại chăn nuôi đang áp dụng công nghệ số, tự động hóa toàn bộ quy trình từ khâu cho ăn đến xử lý môi trường. Trong khoảng 400 trang trại trồng trọt, nhiều cơ sở, đặc biệt là các hợp tác xã và doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ điều tiết nước tưới, bón phân thông minh. Chỉ với một chiếc điện thoại, người vận hành có thể điều khiển tưới tiêu tới từng luống rau theo từng công thức riêng biệt. Hệ thống cho phép lập trình nhiều công thức khác nhau và thực hiện chỉ bằng một nút bấm. Việc thu hoạch cũng được hỗ trợ bằng máy móc hiện đại, đảm bảo chất lượng và khâu bảo quản sản phẩm.
Trong chương trình OCOP, Thanh Hóa hiện có hơn 600 sản phẩm, tất cả đều được hỗ trợ gắn mã QR để quảng bá và truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đã có trên 200 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Postmart... mang lại hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ tại địa phương rất năng động trong việc livestream bán hàng và lập các nhóm zalo kết nối toàn quốc. Tại Thanh Hóa, chúng tôi cũng có nhóm zalo cấp tỉnh để kết nối, chia sẻ thông tin trong hệ thống.
Hàng năm, Thanh Hóa tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và ứng dụng AI cho các chủ thể OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã. Mỗi năm, khoảng 200 học viên được đào tạo về kỹ năng ứng dụng các nền tảng số để quảng bá, bán hàng, bao gồm cả lĩnh vực du lịch nông thôn. Ngoài điểm đến nổi bật như Sầm Sơn, Thanh Hóa còn có nhiều vùng miền núi rộng lớn với tiềm năng phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc sản địa phương.
Sau khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và livestream hiệu quả, doanh thu nhiều hộ tăng gấp 2-3 lần. Có những sản phẩm rất đơn giản như miến gạo, sau khi đạt chuẩn và được đưa lên sàn, đã cháy hàng và buộc cơ sở sản xuất phải mở rộng quy mô gấp ba lần để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một ví dụ là sản phẩm thịt trâu gác bếp, một món đặc sản địa phương. Trước kia chỉ quanh quẩn trong thôn, làng, nhưng nay đã được tiêu thụ rộng rãi khắp nơi. Có sản phẩm mà chỉ cần đốt lửa bằng băng khô là hết hàng, và giá trị có thể tăng lên 4-5 lần so với trước.
Dù chuyển đổi số mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng tốc độ lan tỏa rất nhanh. Mặc dù khu vực miền núi còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực, nhưng Thanh Hóa có được một đội ngũ thanh niên trí thức quay về quê nhà lập nghiệp, đó là lợi thế lớn. Chính lực lượng này đang tiếp sức cho quá trình chuyển đổi số ở nông thôn, biến đặc sản địa phương thành thương hiệu, biến nông thôn thành thị trường số mới đầy tiềm năng.
Hay như trước đây ở Mường Lát, một bạn bán băng khô chỉ với giá khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng hiện nay sản phẩm đó đã được bán với giá lên tới 380.000 đồng/kg. Đây là một sự thay đổi rất rõ rệt về giá trị sản phẩm sau khi được nâng cấp, quảng bá và thương mại hóa hiệu quả.
Hay như cây tía tô, trước kia là loại rau dân dã, thậm chí có thể xin nhau được thì nay đã trở thành nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm tinh dầu, dầu gội đầu, trà thảo dược và nhiều loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác. Những sản phẩm này đang bán rất chạy và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã xuất hiện rất nhiều mô hình như vậy.
Ông có kiến nghị cụ thể gì đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để quá trình chuyển đổi số ở nông thôn đạt được hiệu quả tốt nhất?
Ông Bùi Công Anh: Từ góc độ địa phương, tôi cho rằng trước hết Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng và ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Những địa phương này hiện vẫn chưa thể tự huy động được vốn để triển khai các dự án lớn, đặc biệt là về hạ tầng kỹ thuật số. Hạ tầng phải vững thì mới có thể triển khai được các hoạt động chuyển đổi số.
Thứ hai, tôi đề xuất các bộ, ngành Trung ương cần có chương trình tập huấn dành cho lực lượng cán bộ chuyên trách tại địa phương. Hiện nay, ở nhiều địa phương như chúng tôi, cán bộ phụ trách chuyển đổi số chủ yếu là kiêm nhiệm, không có nền tảng chuyên môn bài bản. Chúng tôi rất cần được đào tạo, tập huấn lại một cách bài bản, có hệ thống.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo và hỗ trợ lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân để họ có được nền tảng kiến thức vững chắc. Khi đó, việc triển khai các chương trình chuyển đổi số mới có thể hiệu quả, thực chất.
Một yếu tố cốt lõi khác là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) có chất lượng, đồng thời ứng dụng hiệu quả AI. Hiện nay, nhiều cán bộ nhà nước còn chưa hiểu rõ về công nghệ, không biết nên ứng dụng công cụ nào, không nắm được đâu là nền tảng cần dùng.
Do đó, con người vẫn là yếu tố trung tâm. Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết cần có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp tinh thông công nghệ. Khi đó, họ mới có thể hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa triển khai hiệu quả các mô hình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các tỉnh và Nhà nước cần phân bổ nguồn lực thỏa đáng. Hiện nay, nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các Bộ, Ngành, Trung ương cần nghiên cứu và bố trí một khoản ngân sách riêng để đầu tư cho con người, hạ tầng kết nối và hỗ trợ chuyên gia. Tại các thành phố lớn, Trung ương có rất nhiều chuyên gia giỏi, nhưng ở cấp tỉnh, huyện, xã, miền núi hầu như không có lực lượng chuyên gia tại chỗ.
Ngoài ra, để mời được các chuyên gia, địa phương cũng gặp khó khăn về kinh phí, thiếu thông tin về chuyên môn và thế mạnh của từng người, nên rất cần được hỗ trợ từ Trung ương.
Tóm lại, nếu muốn chuyển đổi số mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn thì nhà nước cần đầu tư đúng và đủ cho hạ tầng, con người và cơ chế hỗ trợ chuyên gia. Đây là yếu tố tiên quyết để đưa chuyển đổi số vào thực tiễn một cách thực chất, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn.
Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Nguyễn Thanh