Đội ngũ cán bộ, công chức ở xã Tam Chung phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực hoặc thực hiện nhiệm vụ chưa đúng với chuyên môn đào tạo. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng phương án điều động cán bộ, công chức xã về các đơn vị còn thiếu của khối chính quyền, trong đó sẽ ưu tiên bố trí cán bộ, công chức có nguyện vọng, xung phong đến công tác tại các xã miền núi, vùng cao biên giới còn thiếu nhân lực.
Tỉnh sẽ điều động, bố trí cán bộ, công chức trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, tài chính, kế hoạch, kế toán, đầu tư, giao thông, xây dựng.
Quá trình điều động, sắp xếp sẽ dựa trên các tiêu chí, quy chuẩn cụ thể và thực hiện linh hoạt; thời gian điều động dự kiến từ 2-3 năm.
Đặc biệt, sau khi kết thúc điều động, cán bộ, công chức được điều động, bố trí đến các xã còn thiếu sẽ được bố trí về xã, phường trước khi điều động (trừ trường hợp cán bộ, công chức có nguyện vọng tiếp tục ở lại công tác).
Đồng thời căn cứ kết quả công tác, cán bộ, công chức sẽ được ưu tiên đưa vào quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm khi có điều kiện.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, xã Tam Chung (huyện Mường Lát cũ) hiện đang thiếu 14 cán bộ, công chức so với chỉ tiêu tỉnh giao. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Trước đó, ngày 14/7, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định điều động 15 công chức, viên chức, người lao động đến công tác tại Ủy ban Nhân dân xã Mường Lát và Ủy ban Nhân dân xã Pù Nhi để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấp.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, Thanh Hóa giảm từ 547 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 166 xã, phường. Tại một số xã miền núi, biên giới, việc bố trí lại nhân sự đang gặp khó khăn do thiếu cán bộ ở các vị trí chuyên môn.
Trong 21 xã không thực hiện sắp xếp, Tam Chung là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát (cũ), có diện tích gần 66km2, dân số 4.527 người, có hơn 90% người dân là đồng bào Mông, nhiều bản xa trung tâm xã, đường xá đi lại khó khăn.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, xã Tam Chung thiếu 14 cán bộ, công chức so với chỉ tiêu tỉnh giao, nhất là công chức có trình độ về công nghệ thông tin, kinh tế, xây dựng... Do vậy, cán bộ, công chức tại đây phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực hoặc thực hiện nhiệm vụ chưa đúng với chuyên môn đào tạo nên chưa phát huy được hết hiệu quả công việc, chưa phù hợp với nhiệm vụ mới.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Chung cho biết hơn nửa tháng đầu hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, xã gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.
Ở bộ phận Trung tâm phục vụ hành chính công, do thiếu nhân lực làm việc nên Ủy ban Nhân dân xã đã điều 1 công chức văn phòng đảm nhận lĩnh vực tư pháp sang hỗ trợ Trung tâm.
Trung tâm phục vụ hành chính công còn thiếu màn hình hiển thị số thứ tự, thiết bị tra cứu và máy lấy số tự động, ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân xã chưa được cấp hết quyền tiếp nhận, xử lý thông tin hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức nên chưa thể giải quyết hết thủ tục hành chính cho công dân.
Ủy ban Nhân dân xã kiến nghị tỉnh bổ sung 12 cán bộ, công chức để bảo đảm vận hành các phòng, ban.
Tương tự, tại xã Tân Thành (huyện Thường Xuân cũ), hiện có 46 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó khối chính quyền có 28 người.
Xã đề xuất bổ sung 7 công chức cho các vị trí như văn phòng Hội đồng Nhân dân- Ủy ban Nhân dân, phòng kinh tế, văn hóa-xã hội, trung tâm dịch vụ công.
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tam Chung lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo, đánh dấu bước chuyển lớn từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thực hiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, ngay trước khi kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy (cũ) đã xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có cán bộ, công chức khối chính quyền của các xã, phường mới.
Trên cơ sở đó, sau khi đi vào vận hành từ ngày 1/7, các xã, phường mới đã tiếp nhận, phân công đối với cán bộ, công chức khối chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, do phương án bố trí cán bộ, công chức chủ yếu thực hiện trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện cũ nên có sự thừa, thiếu cục bộ; các xã, phường khu vực đô thị, đồng bằng bố trí cao nhưng các xã khu vực miền núi, biên giới lại bố trí thấp.
Do vậy, trên thực tế, nhiều xã ở Thanh Hóa hiện chỉ có từ 10-15 cán bộ, công chức. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài chính, kế toán, hộ tịch, chứng thực… ở một số xã chưa có công chức đảm nhiệm nên khó khăn trong tổ chức, hoạt động và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã.
Đáng lưu ý, theo Công văn số 09/CV-BCĐ ngày 30/5/2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về định hướng số lượng biên chế, hiện Thanh Hóa có 68 xã, phường đang bố trí cao hơn so với số lượng khung biên chế (xã thấp nhất là 1 người; xã cao nhất là 39 người); 9 xã, phường đang bố trí bằng số lượng khung biên chế và 89 xã, phường đang bố trí thấp hơn so với số lượng khung biên chế (xã thiếu ít là 1 người; xã thiếu cao nhất là 22 người)./.
(TTXVN/Vietnam+)