Đang đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện Nông thôn mới Nâng cao nhưng tiêu chí liên quan đến môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý rác tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cũng đang khiến chính quyền địa phương khá "đau đầu". Bãi tập kết rác của huyện Yên Định hiện nay nằm ở thị trấn Quán Lào, cách trung tâm hành chính của huyện không xa, hằng ngày vẫn tiếp nhận rác để xử lý chôn lấp và đốt. Tuy nhiên, mùi hôi thối phả ra từ bãi rác này đang khiến người dân thị trấn Quán Lào hết sức bức xúc, bất bình.
Ông Lê Đình Thường (SN 1958), trú tại khu phố Thiết Đinh, thị trấn Quán Lào bức xúc: Bãi rác trước đây là nơi tập kết rác riêng cho thị trấn Quán Lào, mấy năm gần đây có thêm rác cả mười mấy xã trong huyện tập trung về đây để xử lý, tình trạng ô nhiễm, hôi thối càng tăng thêm. Theo ông Thường, nếu có gió từ hướng Bắc thổi vào thì người dân khu phố Thiết Đinh bị ảnh hưởng nhiều nhất, mùi hôi thối nồng nặc thường xuất hiện khoảng buổi chiều và ban đêm. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã nhiều lần có ý kiến di dời bãi rác đến cơ quan chức năng các cấp nhưng đến nay bãi rác vẫn chưa di chuyển mà còn xây dựng thêm lò đốt rác mới! Tương tự, bà Lê Thị Lan (SN 1968), khu phố Thiết Đinh, thị trấn Quán Lào cho hay, bãi rác này ô nhiễm đã nhiều năm, nhất là những hôm thời tiết thay đổi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, người dân đóng hết cửa nhà vẫn không tài nào ngủ được.
Bãi rác nằm ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định cũng đang khiến nhiều người dân bức xúc vì mùi hôi thối.
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hương, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết: Bãi tập kết rác ở thị trấn Quán Lào có từ năm 2012 (diện tích 3,3ha), xử lý rác bằng cách chôn lấp. Hiện tại, bãi tập kết rác đang thu nhận rác cho 12 xã trong huyện và thị trấn Quán Lào (43 tấn/ngày; gần 16.000 tấn/1 năm). Mỗi năm bãi rác được cấp hơn 7 tỷ đồng (UBND tỉnh Thanh Hóa 70%, phần còn lại của huyện Yên Định) để xử lý rác. Từ năm 2019, Công ty Thành Tân vào đầu tư lò đốt rác (công suất 100 tấn/ ngày đêm), nhưng lò đốt chưa hoạt động hết công suất… Về tình trạng mùi hôi từ bãi rác, vị Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết, huyện Yên Định và thị trấn Quán Lào đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân. Đặc biệt, trong tháng 7/2024, bãi rác có dừng bão dưỡng, rác ùn ứ khá nhiều, dù công ty đã phun chế phẩm nhưng không thể triệt tiêu được mùi hôi.
Hiện nay, công ty đã đầu tư máy vắt rác, xây thêm lò đốt rác, đồng thời, tăng cường phun chế phẩm hạn chế mùi hôi thối. Theo lộ trình, đến hết năm 2025, bãi rác này sẽ đóng cửa, chấm dứt hoạt động. Dự kiến bãi rác mới sẽ được quy hoạch tại xã Yên Lạc, huyện Yên Định, có diện tích 7,5ha. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện người dân xã Yên Lạc đang cực lực phản đối dự án lập bãi rác tại địa phương này.
Bãi rác tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa được hình thành từ năm 1996 với tổng diện tích 2,7ha (phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn), hiện cũng đang bị quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân xunh quanh. Đặc biệt, từ năm 2015, có thêm 6 xã của huyện Quảng Xương sáp nhập vào thành phố Sầm Sơn nên lượng rác tập trung tại bãi rác này tiếp tục gia tăng. Trong dịp cao điểm, trung bình mỗi ngày bãi rác tiếp nhận khoảng hơn 100 tấn rác, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố biển Sầm Sơn.
Trước tình hình trên, ngày 16/4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1328/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Sầm Sơn, do Công ty TNHH hai thành viên môi trường Nam thành phố làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 300 tấn/ngày, tọa lạc trên khu đất có diện tích 69.000m2, khi đi vào hoạt động dự án sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Sầm Sơn và các vùng phụ cận, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế - xã hội, xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt số tiền gần 280 tỷ đồng triển khai dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn", do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 2 dự án nói trên vẫn chưa đi vào hoạt động.
Qua trao đổi, ông Đặng Anh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn, cho biết: Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Sầm Sơn do Công ty TNHH hai thành viên môi trường Nam thành phố làm chủ đầu tư tại xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn), đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư từ lâu nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng.
Đối với dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn", kinh phí hơn 280 tỷ đồng, từ tháng 6/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Sầm Sơn đã mời thầu qua mạng để tìm đơn vị đủ năng lực thực hiện dự án này, song đến nay chưa tìm được đơn vị đủ năng lực tham gia dự thầu. Hiện UBND thành phố Sầm Sơn đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn, thông tin thêm.
Hiện tại, bãi rác Đông Nam là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và một số xã của huyện Quảng Xương. Tuy nhiên, nhiều năm nay, bãi rác luôn trong tình trạng quá tải. Hiện tại, bãi rác Đông Nam có 6 ô chôn lấp rác sinh hoạt đã đầy, vượt quá công suất thiết kế. Tình trạng quá tải cũng đang xảy ra tại bãi rác Hồ Mơ, ở huyện Nông Cống. Bãi rác này có tổng diện tích quy hoạch trên 8ha, được thiết kế 6 ô chôn lấp, xử lý rác cho 29 xã, thị trấn của huyện Nông Cống. Mỗi ngày lượng rác đưa về đây xử lý khoảng 80 đến 120 tấn. Để giải quyết tình trạng quá tải, ngoài việc xử lý chôn lấp, 30% rác còn lại được xử lý bằng công nghệ đốt.
Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề xử lý rác thải hiện nay ở Thanh Hóa đang bộc lộ nhiều bất cập, lượng rác ngày càng tăng, các bãi rác luôn trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, nếu không có giải pháp căn cơ, xử lý rác triệt để, việc chôn lấp rác sẽ để lại nhiều hệ lụy về môi trường…
Trần Thắng