Một bể nuôi tôm tự phát tại phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Mặc dù chính quyền địa phương đã có những giải pháp xử lý vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn. Vì vậy, UBND thị xã Nghi Sơn đang triển khai các giải pháp để giải quyết dứt điểm, tình trạng này.
Tại thị xã Nghi Sơn, với lợi thế gần 42 km bờ biển, có các cửa Lạch Bạng, Lạch Ghép, địa phương này đã phát triển nghề khai thác hải sản, cũng như đang có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cùng với diện tích nuôi tôm đã được quy hoạch, hiện nay trên địa bàn thị xã vẫn còn tồn những khu nuôi tôm tự phát trái phép.
Nguyên nhân, chưa xử lý dứt điểm do các trường hợp nuôi tôm vi phạm trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm trước. Quy mô xây dựng lớn; trong đó, có cả doanh nghiệp thuê đất đầu tư dự án, kinh phí đầu tư lớn bao gồm bể nuôi, máy móc, vật tư…. dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế phá dỡ.
Tại phường Tĩnh Hải, một số hộ dân đã thực hiện việc nuôi tôm trái phép, đến đây không khó để nhận thấy hàng chục bể nuôi tôm được lót bạt và che chắn tạm bợ trên diện tích đất đất nông nghiệp. Trước đây, trên địa bàn phường có nhiều hộ dân tự ý đào ao, nuôi tôm trái phép trên diện tích đất chưa được quy hoạch nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây do những hệ lụy từ việc nuôi tôm trái phép, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển nên các cấp chính quyền đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, cưỡng chế… nên nhiều gia đình đã bỏ nuôi và tháo dỡ các bể tôm đầu tư xây dựng trước đó. Đến thời điểm hiện tại, trên địa phường Tĩnh Hải đang còn 11 hộ nuôi tôm trái phép trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm…
Anh Lê Thế Mạnh, phố Thắng Hải, phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn cho biết, trước đây gia đình thầu đất của địa phương, sau đó đào ao nuôi cá, tuy nhiên hiệu quả nuôi cá không cao, gia đình quyết định chuyển sang nuôi tôm. Để làm được việc này, cách đây 4 năm gia đình đã vay ngân hàng 2 tỷ đồng đề đầu tư xây bể, nhập con giống tôm về chăn nuôi, anh đã xây 5 bể nuôi tôm, trong đó có 3 bể được xây trên đất khai hoang và 2 bể trên đất trước gia đình đã nuôi cá với tổng diện tích là 4.000 m2, dù đã nuôi tôm đã lâu nhưng tới nay gia đình anh vẫn chưa thu hồi được vốn.
Hiện gia đình biết chính quyền không cho phép nuôi tôm tại đây, nhưng gia đình đã đầu tư vào đây rất nhiều vốn. Mong chính quyền tạo điều kiện để gia đình thu hồi lại số vốn gia đình đã đầu tư để trả hết nợ.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hợi, thôn Nam Hải, Phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết, do không có việc làm ổn định nên cách đây 2 năm gia đình quyết định đã vay ngân hàng 5 tỷ để đầu tư, xây dựng 10 bể nuôi tôm trên diện tích đất 4.200 m2 tại phường Tĩnh Hải. Tuy nhiên, việc nuôi tôm tự phát, manh mún, nhỏ lẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên không đạt hiệu quả kinh tế không như mong muốn.
Đến nay, gia đình ông vẫn chưa thu lại được nguồn vốn đầu tư trước đó, dù biết việc nuôi tôm tự phát là sai quy định trong luật nuôi trồng thủy sản, nhưng gia đình đã lỡ vay tiền ngân hàng để chăn nuôi. Mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho gia đình nuôi hết 1, 2 vụ tới để kiếm tiền nuôi để trả nợ ngân hàng.
Theo thống kê của Đội kiểm tra quy tắc xây dựng - UBND thị xã Nghi Sơn, trong 3 năm qua trên địa bàn thị xã có 119 hộ nuôi tôm tự phát vi phạm, cụ thể ở phường Hải Hòa 9 hộ, phường Ninh Hải 15 hộ, phường Hải Thanh 73 hộ và doanh nghiệp... Để khắc phục tình trạng này, Đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã phường triển khai tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ các công trình nuôi tôm trái phép, các công trình vi phạm trật tự xây dựng, không thả đợt giống mới, chấm dứt việc nuôi tôm trái phép, đồng thời tự tháo dỡ các bể nuôi.
Một bể nuôi tôm tự phát tại phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Đến nay, địa bàn thị xã Nghi Sơn chỉ còn 62 trường hợp nuôi tôm tự phát trái phép trên đất nông nghiệp, đất dự án. Cụ thể, gồm có phường Bình Minh 4 hộ, phường Ninh Hải 9 hộ, phường Hải Hòa 7 hộ, phường Hải Thanh 30 hộ, phường Hải Ninh 4 hộ…
Theo ông Lê Duy Nhân, Đội phó Đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn, việc nuôi tôm tự phát đã kéo theo những vi phạm về quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, do đó Thị ủy, UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các xã, phường triển khai phương án để chấn chỉnh tình trạng nuôi tôm tự phát, trái phép, vi phạm trật tự xây dựng.
Mặc dù đã có nhiều gia đình đã tự giác tháo dỡ nhưng còn một số trường hợp do trong thời gian yêu cầu tháo dỡ thì tôm mới được thả vào bể nuôi, nguồn đầu tư lớn nên người dân xin các cấp chính quyền cam kết tháo dỡ sau khi thu hoạch xong vụ gần nhất và trả nguyên hiện trạng ban đầu, trên tinh thần đó Đội đang tiếp tục quán triệt các xã, phường làm đúng chỉ đạo của UBND thị xã để vận động người dân tháo dỡ bể nuôi tôm.
Thời gian tới, Đội sẽ tham mưu cho UBND thị xã Nghi Sơn, chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập các tổ công tác kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ các công trình nuôi tôm trái phép, trả nguyên lại hiện trạng ban đầu của đất. Đồng thời, không thả đợt giống mới, chấm dứt việc nuôi tôm trái phép, tự tháo dỡ các bể nuôi, nếu các hộ không chấp hành, thì sẽ giao UBND các xã, phường hoàn thiện hồ sơ và tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp hiện đang thả tôm giống, đã có cam kết tự tháo dỡ sau thu hoạch. Nếu không chấp hành tự tháo dỡ theo cam kết, Đội tổ chức đôn đốc UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch và tổ chức tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)