Tại xã vùng núi cao Trung Lý (Thanh Hóa) chính quyền địa phương đã khẩn trương sơ tán 19 hộ dân đang sinh sống khu vực bản Tung - khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đến tránh trú tạm thời tại Nhà văn hóa bản.
Nhiều khu vực bị chia cắt do nước lũ dâng cao.
Trên địa bàn xã này, 1 chiếc đò ngang tại khu vực sông Mã, đoạn qua bản Pá Húa, bị đứt dây neo, trôi dạt và chìm hoàn toàn. Chiếc đò thuộc sở hữu của ông Cứ A Lộng, người dân địa phương, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Chiều ngày 22/7, thông tin tại xã biên giới Trung Hạ, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ 39 hộ dân với 168 nhân khẩu ở bản Muỗng đến khu vực an toàn trước nguy cơ sạt lở, lũ ống.
Nước lũ trên các sông đang dâng cao.
Qua kiểm tra tại xã Mường Lý, mưa to trên diện rộng, tối 21/7, Đồn Biên phòng Pù Nhi phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ đã hoàn thành việc sơ tán 92 hộ dân với 496 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông tại các bản Ún và Xì Lồ đến nơi an toàn, tránh nguy cơ sạt lở đất.
Trong đó, tại bản Ún, các lực lượng đã sơ tán 57 hộ với 317 nhân khẩu lên khu tái định cư – nơi chính quyền địa phương đã chuẩn bị sẵn mặt bằng để dựng nhà bạt và bố trí ở ghép cùng một số hộ khác.
Các lực lượng tích cực hỗ trợ người dân sơ tán tới nơi an toàn.
Tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, tính đến sáng ngày 22/7, chính quyền các địa phương đã chủ động sơ tán 98hộ/449 khẩu đến nơi an toàn (xã Điền Lư 18 hộ/45 khẩu, xã Nam Xuân 11 hộ/48 khẩu, xã Tam Chung 15 hộ/94 khẩu, xã Bá Thước 3 hộ/15 khẩu, xã Kim Tân 12 hộ/54 khẩu, xã Mường Lý 33 hộ/174 khẩu, xã Sơn Thủy 3 hộ/11 khẩu, xã Yên Nhân 3 hộ/08 khẩu).
Tại xã Xuân Du, có 25 hộ ở khu vực có nguy cơ ngập lụt; 144 hộ ở khu vực nguy cơ sạt lở đất; 40 hộ ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Lực lượng Công an xã đã đến từng nhà thông báo, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ di dời khi có tình huống xảy ra.
Không để người dân ở lại trong các khu vực nguy hiểm.
Xã Giao An có 3 tuyến sông chảy qua, khi có mưa lớn kéo dài, mực nước các sông lên nhanh dễ gây ngập cục bộ. Lực lượng Công an xã và lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã thành lập các điểm chốt tại khu vực tràn sông Sạo, thôn Poọng, tràn thôn Nghịu Tượt, tràn Chiềng Lằn, tràn thôn Húng, tràn thôn Viên, tràn thôn Chiềng Nang… cắm biển cảnh báo ở các đập tràn có nguy cơ bị mưa lũ chia cắt để người dân biết, cảnh báo đề phòng.
Qua báo cáo nhanh của các địa phương, tính tới sáng ngày 22/7, xã Tống Sơn bị ngập cục bộ diện tích lúa (vùng Hà Tân, Hà Tiến cũ), xã Nga An bị ngập cục bộ diện tích lúa mới cấy, rau và các ao trong dân, ngập cục bộ một số tuyến đường của phường Hạc Thành...
Các lực lượng xử lý sự cố đê ở Hoằng Châu.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi và các địa phương đã triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và chủ động các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại các khu vực xảy ra ngập, lụt. Hiện có 11 trạm bơm do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý đang vận hành.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 xã, phường với 40.830 hộ/169.352 khẩu đang sinh sống ở khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão. Trong đó, có 10.561 hộ/46.194 khẩu trong phạm vi cách bờ biển 200m, 14.288 hộ/58.868 khẩu trong phạm vi cách bờ biển 200-500m, 15.981 hộ/64.290 khẩu trong phạm vi cách bờ biển trên 500m.
Lên phương án sơ tán hàng nghìn hộ dân khi có lệnh.
Tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán dân đang sinh sống ở khu vực ven biển, cửa sông trên địa bàn tỉnh theo các phương án sơ tán dân đã xây dựng.
Tại xã Hoằng Châu, khoảng 200 người được đang huy động để gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở mái đê sông Cung đoạn đi qua khu vực cống Đồng Đền 2 (xã Hoằng Thắng cũ) bị sạt trượt mái ở 2 vị trí với chiều dài khoảng 50m.
Cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo trước nguy cơ lở đất, ngập lụt, các đơn vị quản lý hồ chứa, thủy điện đã phát đi thông bảo xả lũ.
Thanh Phương