Thanh Hóa quyết liệt gỡ vướng 33 dự án trọng điểm gần 115 nghìn tỷ

Thanh Hóa quyết liệt gỡ vướng 33 dự án trọng điểm gần 115 nghìn tỷ
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh Thanh Hóa đang theo dõi, triển khai 33 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư đăng ký 114.549 tỷ đồng.
Đây là những dự án quy mô lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật. Kỳ vọng từ các dự án này là rất lớn khi chúng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, thu hút dân cư và định hình các trung tâm phát triển mới.
HƠN 114.000 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ CHỜ BỨT PHÁ
Trong số đó, 10 dự án đang được triển khai đúng tiến độ. Một số công trình tiêu biểu đã hoàn thành và đi vào vận hành như Nhà máy Xi măng Đại Dương (7.722 tỷ đồng), Nhà máy Dệt may Nan Cheung (1.091 tỷ đồng) và Nhà máy sản xuất giày xuất khẩu Alivia (1.869 tỷ đồng). Một số khác đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị, chuẩn bị đưa vào hoạt động như Nhà máy lốp ô tô Radial COFO (1.484 tỷ đồng) và Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn (2.400 tỷ đồng).
Tuy nhiên, gần 70% số dự án còn lại (23 dự án) vẫn đang gặp khó khăn, chậm tiến độ, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Tổng số vốn “nằm im” ở các dự án này lên tới 76.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 48 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: “Phải chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, triển khai dứt điểm 33 dự án trọng điểm đã được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TU”. Ông yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm của từng chủ đầu tư, Ban quản lý dự án; xây dựng kế hoạch, thời gian, tiến độ thi công cụ thể để giám sát, đôn đốc.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án chậm triển khai là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện có tới 12 dự án với tổng vốn 47.467 tỷ đồng đang bị “đứng bánh” vì chưa giải phóng xong đất, trong đó có nhiều dự án quan trọng tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu đô thị lớn.
GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VẪN LÀ “NÚT THẮT CỔ CHAI”
Cảng container Long Sơn (2.400 tỷ đồng) vẫn chưa hoàn tất mặt bằng do còn 0,03 ha chưa thỏa thuận xong với 2 hộ dân. Dây chuyền 3 và 4 của Nhà máy Xi măng Long Sơn (5.600 tỷ đồng) đang gặp vướng mắc trên diện tích khoảng 6 ha chưa được bàn giao. Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 (3.000 tỷ đồng) còn tới 17 ha chưa giải phóng.
Một số dự án du lịch và khu đô thị cũng đang chật vật vì mặt bằng chưa sạch. Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân (11.096 tỷ đồng) chưa xử lý xong 10 ha, trong đó có 7 ha là đất ở và 3 ha là nghĩa trang. Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ, Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam, Khu đô thị mới tại phường Nguyệt Viên, Khu dân cư mới Diêm Phố, dự án sân golf Quảng Nham… đều đang “tắc nghẽn” vì chưa giải tỏa xong đất đai, kéo theo tiến độ trì trệ.
Nguyên nhân của tình trạng này không nằm ngoài những vấn đề thường trực: thiếu hồ sơ xác định nguồn gốc đất, thiếu quỹ đất tái định cư và sự chưa đồng thuận của một bộ phận người dân trong phương án đền bù.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tăng tốc xây dựng các khu tái định cư tại những địa bàn trọng điểm, đồng thời tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân để tạo sự đồng thuận trong việc di dời, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai hướng dẫn chuyển giao quản lý các dự án từ cấp huyện về cấp xã (sau khi cấp xã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025) để rút ngắn quy trình xử lý, tăng hiệu quả điều hành và đẩy nhanh tiến độ thi công trên thực địa.
GỠ VƯỚNG HỒ SƠ VÀ CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÓ TẦM
Không chỉ vướng mặt bằng, nhiều dự án còn chậm trễ do thủ tục hành chính kéo dài hoặc do chính nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện. Có 5 dự án với tổng vốn 10.332 tỷ đồng đang phải chờ ý kiến từ các bộ, ngành trung ương, chưa hoàn tất khâu thiết kế, thẩm định hoặc điều chỉnh quy hoạch.
Trong số này, Cảng container Long Sơn, Khu bến container số 2 (2.151 tỷ đồng), Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt Đông Sơn, Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa (2.500 tỷ đồng), hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng đều gặp trở ngại về thủ tục chuyên ngành.
Trong khi đó, 9 dự án khác với tổng vốn 35.678 tỷ đồng rơi vào tình trạng “thiếu lửa” từ phía nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chưa bố trí đủ vốn, chưa xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và chậm triển khai trên thực địa. Điển hình như Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên (6.849 tỷ đồng) vẫn chưa bố trí được vốn ứng trước cho bồi thường. Một số dự án vừa chậm vì thủ tục, vừa vướng mặt bằng, đồng thời thiếu sự quyết liệt từ phía chủ đầu tư, khiến tiến độ càng trở nên ì ạch.
Trước những bất cập trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh yêu cầu các cơ quan chức năng rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ, tăng cường phân cấp, ủy quyền để giảm phụ thuộc vào cấp trung ương. Những dự án chậm không có lý do chính đáng sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm, thậm chí xem xét thu hồi để giao cho nhà đầu tư có năng lực hơn.
Tỉnh đang tiến hành rà soát lại toàn bộ 33 dự án, phân loại theo mức độ khả thi, yêu cầu các nhà đầu tư ký cam kết tiến độ cụ thể. Đồng thời, định hướng chiến lược sắp tới là lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực tài chính vững vàng, sở hữu công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và thực sự quyết tâm triển khai đúng hạn.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đang là thước đo của sức bật địa phương, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật – hành chính, mà còn là bài toán của ý chí và tư duy đổi mới trong quản trị phát triển. Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn “vàng” để chuyển mình, và 33 dự án trọng điểm sẽ là thước đo đầu tiên cho quyết tâm đó.
Thiên Anh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thanh-hoa-quyet-liet-go-vuong-33-du-an-trong-diem-gan-115-nghin-ty.htm