Ngày 5.5, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện về hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Hội nghị nhằm phân tích thực trạng, nhận diện bất cập và đề xuất giải pháp đưa ngành khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Hội nghị đánh giá toàn diện về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu
Nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn bất cập
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 616 mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, trong đó 344 mỏ đã được cấp phép khai thác.
Trữ lượng khoáng sản còn lại ước tính gồm khoảng 43,6 triệu m³ đất san lấp, 3,6 triệu m³ cát và 163,6 triệu m³ đá.
Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc cung ứng vật liệu phục vụ xây dựng công trình, nhà ở và chương trình nông thôn mới cơ bản được đảm bảo. Mỗi năm, lĩnh vực này đóng góp cho ngân sách tỉnh từ 900 đến 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng như đất, đá, cát tăng mạnh, đặc biệt giá cát tăng tới 30% so với cuối năm 2024, vượt khỏi khung giá công bố của cơ quan chức năng.
Nhiều dự án không có nguồn vật liệu gần công trình, phải mua từ nơi xa, dẫn đến chi phí đội lên, ảnh hưởng tiến độ thi công và hiệu quả đầu tư.
Hội nghị cũng chỉ rõ tình trạng khai thác vượt công suất, vượt ranh giới, khai thác sai thiết kế, kê khai sản lượng không đúng thực tế và bán vật liệu sai giá niêm yết vẫn còn xảy ra tại nhiều dự án.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, nhất là với cát lòng sông và đất san lấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hạ tầng giao thông.
Công tác dự báo nhu cầu vật liệu còn lạc hậu, thiếu cập nhật; danh mục các mỏ khoáng sản cần đấu giá khai thác chưa được xây dựng thường xuyên, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung chính thức, buộc các nhà thầu phải tìm đến nguồn vật liệu trôi nổi, tiềm ẩn rủi ro về chất lượng và chi phí.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhận định, Thanh Hóa là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đủ điều kiện khai thác quy mô công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu
Tuy nhiên, biến động giá hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, giao thông, mà còn đe dọa tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 15.326 hộ dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp phải nhìn nhận rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp căn cơ, không để việc khai thác khoáng sản trở thành rào cản đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, kê khai thuế, giá niêm yết, không được găm hàng, ép giá hay đầu cơ trục lợi.
Sở Xây dựng được giao rà soát, đánh giá nhu cầu vật liệu xây dựng giai đoạn 2025 – 2030, từ đó đề xuất danh mục các mỏ cần đấu giá khai thác, bảo đảm cung ứng đủ vật liệu cho các công trình trọng điểm, tránh lệ thuộc vào các mỏ không chính thức.
Đặc biệt, tỉnh sẽ khảo sát, xây dựng kế hoạch sử dụng đất san lấp đến năm 2030, tránh cấp phép tràn lan gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm cảnh quan.
Về công tác cấp phép, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao rút ngắn thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, khai thác, sớm đưa các mỏ trúng đấu giá vào khai thác thực tế.
Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng một ngành khai thác khoáng sản bền vững, góp phần ổn định thị trường vật liệu xây dựng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.
Toàn bộ quá trình đấu giá quyền khai thác sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách địa phương.