Công an Thanh Hóa trợ giúp người dân ứng dụng VNeID để giải quyết thủ tục hành chính.
Liên thông thủ tục hành chính
Những ngày đầu tháng 7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hạc Thành có khá đông người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với việc chỉnh trang nơi đón tiếp, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp đường truyền, lắp camera giám sát..., Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hạc Thành phân công nhiệm vụ theo hướng rõ người, rõ việc, quán triệt tinh thần “hết việc mới hết giờ làm”.
Chị Ngô Thị Trang đến làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận sử dụng hơn 60 m2 đất thổ cư ở phố Trương Hán Siêu, phường Hạc Thành cho biết, chị hài lòng với tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ và các bộ phận liên quan. Đáp ứng yêu cầu quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, Công an Thanh Hóa tập trung xây dựng, làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư, số hóa hồ sơ hộ tịch, cấp căn cước gắn chíp; hướng hoạt động về khu dân cư phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cài đặt ứng dụng tiện ích, sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua VNeID.
Cơ quan công an đã cấp tài khoản định danh điện tử cho 2.780.450 người dân, trong đó có 2.345.435 tài khoản mức độ 2.
Trước khi chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp, Thanh Hóa đã hoàn thành nâng cấp hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống mạng nội bộ, truyền hình trực tuyến, tạo lập phần mềm quản lý điều hành, thiết lập trang thông tin điện tử; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm phục vụ hành chính công 166 xã.
Cơ quan công an đã cấp tài khoản định danh điện tử cho 2.780.450 người dân, trong đó có 2.345.435 tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Giám đốc khách hàng tổ chức-doanh nghiệp, Viễn thông Thanh Hóa Lê Mạnh Toàn cho biết, đơn vị huy động 300 cán bộ, kỹ sư công nghệ khảo sát, thiết kế giải pháp, thi công phần mềm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, bảo đảm đường truyền, truyền hình hội nghị thông suốt; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, công an xã trong xử lý vấn đề nảy sinh, hỗ trợ người dân đến giao dịch tại các trung tâm phục vụ hành chính công.
Từ ngày 1/7, Thanh Hóa vận hành Cổng dịch vụ công tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn, là “cửa số” duy nhất cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Tuấn Hòa: Tỉnh đã công khai 2.223 thủ tục hành chính, trong đó cung ứng 620 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.383 dịch vụ công trực tuyến một phần. Sau khi kết thúc chính quyền cấp huyện, ngoài bãi bỏ 50 thủ tục, có 18 thủ tục hành chính chuyển về cấp tỉnh và 278 thủ tục phân cấp cho cấp xã giải quyết.
Ngày 24/6/2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND miễn thu phí 42 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Qua đó góp phần thúc đẩy , cụ thể hóa mục tiêu cải cách, nâng cao trách nhiệm phục vụ của chính quyền địa phương hai cấp, đổi mới mô hình quản trị công. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ghi nhận, tỉnh Thanh Hóa là một trong 20 địa phương hoàn thành tất cả 16 nhiệm vụ so với tiến độ các công việc phải hoàn thành trước ngày 1/8/2025.
Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Nhiệm kỳ này, tỉnh Thanh Hóa đã sớm ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU cùng đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện khâu đột phát về hạ tầng số, đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cố định, phủ sóng 4G đến 99,7% số thôn, bản; thuê bao điện thoại đạt mật độ gần 82 thuê bao, Internet băng thông rộng đạt mật độ hơn 73 thuê bao/100 dân; đang nâng tỷ lệ phủ sóng 5G từ 7% lên 60% vào cuối năm nay.
Hạ tầng, trang thiết bị thông tin trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đến cấp xã được tăng cường; kết nối liên thông văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền và các khối Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể; gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp; tỷ lệ văn bản ký số đạt 100%.
Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa Trần Duy Bình cho biết: Trung tâm công nghệ thông tin đã phát triển mạng lan, tạo lập 166 phần mềm quản lý văn bản, trang thông tin điện tử, 239 phòng họp trực tuyến, đáp ứng lãnh đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ hiệu quả giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Qua hai tuần vận hành chính quyền địa phương hai cấp, Thanh Hóa có số lượng hồ sơ trực tuyến đứng tốp đầu toàn quốc trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hạ tầng số ở vùng sâu, xa, miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế; còn 9 thôn “lõm sóng”, 13 thôn chưa có đường cáp quang cố định.
Các nền tảng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành thiếu kết nối, chia sẻ đồng bộ. Nhân lực, năng lực số tại nhiều xã còn thiếu và yếu; triển khai các ứng dụng, dịch vụ số trong lĩnh vực kinh tế-xã hội gặp trở ngại do nhận thức chưa đồng đều, nhất là chủ doanh nghiệp nhỏ, người dân nông thôn; vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết: Trước mắt tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng số, xóa vùng “lõm sóng”, nâng cao chất lượng sóng thông tin di động; rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, cấp tỉnh; hoàn thành xây dựng 12 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu; tiếp tục số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu, phát triển kho dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh số; phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ số thân thiện, dễ sử dụng.
Đồng thời, Thanh Hóa tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời Nghị quyết số 57/2024/NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hiện đại, minh bạch, hiệu quả; đưa hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội lên môi trường số; cung cấp tiện ích, dịch vụ số thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tạo đột phá trong cải cách hành chính, quản trị công, thực thi các giải pháp công nghệ gắn với phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, , góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
MAI LUẬN