Tham dự buổi lễ có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh, cựu dân quân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng và đông đảo người dân địa phương.
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng - nơi tọa độ lửa trong 2 ngày 3-4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa bắn rơi 31 máy bay Mỹ.
Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm.
Trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964) để lấy cớ leo thang chiến tranh, mở rộng hoạt động đánh phá ra miền Bắc bằng không quân, hải quân với âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam.
Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng.
Các đại biểu từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng tại lễ kỷ niệm.
Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và cầu Hàm Rồng là "điểm tắc lý tưởng" trên tuyến vận tải từ Bắc vào Nam. Phá sập cầu Hàm Rồng sẽ cắt đứt mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế, làm suy yếu vai trò của hậu phương lớn Thanh Hóa.
Đúng 8h45 ngày 3/4/1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay bất thần lao và cắt bom, bắt đầu từ Đò Lèn, Tĩnh Gia, Nông Cống và tiến vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng. Ngày đầu tiên chúng sử dụng 102 lần tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 tiếng đồng hồ.
Cựu chiến binh Lê Xuân Giang kể về những ngày cùng đồng đội bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyến, người tải đạn gấp đôi trọng lượng cơ thể phục vụ cho quân và dân đánh máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Không dừng lại, sang ngày 4/4, Mỹ tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút tổ chức một đợt công kích. Từng tốp máy bay từ nhiều phía lao tới như những con thiêu thân, tốp nọ thay thế tốp kia.
Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ xé trời của bom đạn.
Dù bị Mỹ đánh phá ác liệt, gặp nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Thanh Hóa vẫn anh dũng chiến đấu, quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Chương trình nghệ thuật "Hàm Rồng – Vang mãi bản hùng ca" đã tái hiện lại ý chí chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng trước sự đánh phá của không quân Mỹ.
Trong 2 ngày 3-4/4/1965, quân dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Mỹ phải cay đắng thừa nhận "đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ".
Chương trình nghệ thuật "Hàm Rồng – Vang mãi bản hùng ca" được dàn dựng công phu, sự tham gia của các diễn viên, nghệ sĩ đã tái hiện lại những ngày lịch sử 3-4/4/1965, khi quân và dân Thanh Hóa anh dũng đánh trả các đợt tập kích của máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Xuân Chinh - Ngô Cường