Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ
Phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay khiến người dân dễ bị “mắc bẫy” như: lừa tuyển cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng; lừa giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, ngân hàng; hack tài khoản mạng xã hội, giả danh người thân lừa đảo.
Các đối tượng kết bạn làm quen tặng quà qua mạng; giả mạo làm bạn gái dụ dỗ chat sex để tống tiền; sử dụng công nghệ để cắt ghép hình ảnh, video nhạy cảm nhằm đe dọa, khống chế tinh thần và tống tiền nạn nhân; tạo lập trang (Fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay để lừa tiền đặt cọc...
Thanh Hóa đang phát động bình dân học vụ số
Ngoài ra, đã và đang xuất hiện thêm các hình thức lừa đảo khác với các thủ đoạn mới và tinh vi hơn như: tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi qua các trang mạng điện tử, “app” vay tiền; sử dụng tài khoản ngân hàng, phần mềm giả mạo game “tài xỉu” ...
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 3 đối tượng trong ổ nhóm này, gồm: Bùi Anh Trung, sinh năm 1996; Phùng Văn Đạt, sinh năm 1995 và Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1994 đều trú tại thôn Trung Hòa, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Các đơn vị triển khai tập huấn sử dụng mạng xã hội, thiết bị thông minh trong môi trường số
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là sử dụng tài khoản ngân hàng, phần mềm giả mạo game “Tài Xỉu” và phần mềm giả mạo ứng dụng của các ngân hàng như: MBank, Vietinbank và các tài khoản Facebook khác để cho các đối tượng trong nhóm sử dụng máy tính livestream qua mạng xã hội.
Chúng dụ dỗ những người xem đánh “tài xỉu” với hứa hẹn chắc chắn sẽ thắng 100% và sẽ chuyển lại cho họ số tiền gấp 10 lần số tiền họ đã chuyển. Sau khi các bị hại tin tưởng, họ sẽ chuyển tiền từ 1 đến 5 triệu đồng để nhờ các đối tượng chuyển tiền đến tài khoản đánh bạc do chính các đối tượng quản lý và bị chiếm đoạt.
Người dân cần được bảo vệ và cảnh giác khi tham gia môi trường số
Sau gần 2 tháng lập án đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban Chuyên án đã xác định đối tượng cầm đầu là Bùi Anh Trung ở xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội (hiện đang thuê ở tại căn hộ 3429 Tòa I1 chung cư Imperia Smart City, phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Tại đây, Trung điều hành nhóm đối tượng đều là người ở cùng quê và có mối quan hệ thân thiết với Trung trong đó có Phùng Văn Đạt và Nguyễn Thanh Bình.
Nhóm đối tượng này đã thuê 2 căn nhà tại địa chỉ thôn Thái Lai, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn và tại 271 xóm 15 Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội và thường xuyên thay đổi địa điểm để đối phó với cơ quan chức năng. Hàng ngày, các đối tượng tập trung tại đây và sử dụng các máy tính tiến hành Livestream trên mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo những người ham mê đỏ đen chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để chơi game.
Sau khi các bị hại chuyển tiền đến tài khoản trên thì các đối tượng cắt đứt liên lạc, dòng tiền được chuyển qua nhiều tài khoản trung gian khác nhau và cuối cùng đến tài khoản của Bùi Anh Trung. Số tiền chiếm đoạt được, Trung đã trả 50% cho các đối tượng khác trong nhóm. Tính đến khi bị bắt, các đối tượng này đã chiếm đoạt được của hàng trăm bị hại trên cả nước với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với tội phạm trên không mạng luôn có những thay đổi, biến thể của các thủ đoạn, công tác phòng ngừa luôn là công tác trọng tâm, then chốt và cốt lõi của lực lượng Công an Thanh Hóa.
Từ chủ trương, nhận thức như vậy, Công an Thanh Hóa trong thời gian tới tiếp tục sử dụng tổng thể các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là công tác tuyên truyền để thông tin thủ đoạn của tội phạm về lừa đảo trên không gian mạng nhanh chóng, kịp thời, xuyên suốt và đồng bộ đến được với người dân, để người dân cập nhật một cách nhanh nhất, tránh sập bẫy các thủ đoạn của tội phạm.
Đối với người dân, để tham gia môi trường số một cách an toàn, cần tránh chia sẻ thông tin nhạy cảm như địa chỉ, số điện thoại, hoặc thông tin tài chính trên mạng xã hội hoặc các trang web không tin cậy.
Tạo mật khẩu phức tạp, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Nên thay đổi mật khẩu định kỳ và không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Đảm bảo rằng hệ điều hành, ứng dụng và phần mềm diệt virus của bạn luôn được cập nhật để bảo vệ khỏi các lỗ hổng bảo mật.
Tránh nhấp vào các liên kết không rõ nguồn gốc trong email hoặc tin nhắn, vì chúng có thể chứa phần mềm độc hại. Tránh sử dụng mạng Wi-Fi công cộng cho các giao dịch nhạy cảm. Nếu cần, hãy sử dụng các phương thức bảo mật để bảo vệ thông tin của bạn.
Ngoài ra, người dân cần tìm hiểu về các hình thức lừa đảo trực tuyến, phần mềm độc hại và các mối đe dọa an ninh mạng khác để nhận diện và phòng tránh. Kiểm tra và điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trên các trang mạng xã hội và dịch vụ trực tuyến mà bạn sử dụng.
Thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên để đảm bảo bạn có thể khôi phục thông tin quan trọng trong trường hợp mất mát hoặc tấn công. Tải xuống ứng dụng và phần mềm từ các nguồn đáng tin cậy và kiểm tra đánh giá trước khi cài đặt.
Thanh Hóa đang triển khai “Bình dân học vụ số” để người dân thụ hưởng những thành tựu của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, chỉ khi cảm thấy an toàn, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị đấu tranh, xử lý triệt để thì người dân mới tự tin bước vào môi trường số.
Thanh Phương