UBND xã Hoằng Xuân hiện đang nợ đọng hàng chục tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản. Ảnh: Đình Minh.
Theo phản ánh của một số người dân và doanh nghiệp tại xã Hoằng Xuân, từ năm 2014 đến nay, mặc dù các công trình theo hợp đồng ký kết với UBND xã Hoằng Xuân đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, nhưng UBND xã vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các đơn vị thi công.
Ông Hà Quang Phát (trú thôn Nghĩa Hương, xã Hoằng Xuân) cho biết: Năm 2021, ông nhận thi công một tuyến đường bê tông cho UBND xã với giá trị hợp đồng gần 84 triệu đồng. Mặc dù công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước, tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa nhận được khoản thanh toán nào từ chính quyền địa phương. “Tôi và gia đình đã nhiều lần gửi đề nghị lên UBND xã để xin thanh toán hoặc ứng trước một phần kinh phí, nhưng đều được trả lời là ngân sách xã đang gặp khó khăn và còn nợ nhiều công trình khác” - ông Phát chia sẻ.
Năm 2021, ông Lương Đức Vượng (trú thôn Hữu Khánh, xã Hoằng Xuân) cũng nhận thi công 2 công trình điện chiếu sáng tại thôn Kênh Thôn và thôn Tân Khánh với tổng kinh phí hơn 370 triệu đồng. Theo thỏa thuận, phần ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50%, phần còn lại do người dân đóng góp. Tuy nhiên, đến nay, ông Vượng mới chỉ nhận được khoản tiền do người dân đóng góp, còn phần hơn 185 triệu đồng ngân sách xã chi trả vẫn chưa được giải ngân.
“Tôi đã nhiều lần hỏi nhưng lãnh đạo xã nói chưa có phương án cụ thể. Gần đây, xã nói công trình đã quá hạn thanh toán nên cũng chưa rõ sẽ giải quyết như thế nào” - ông Vượng nói.
Ngoài ông Phát và ông Vượng, ông Hà Quang Hưng (trú thôn Nghĩa Hương, xã Hoằng Khánh) cũng cho biết: Năm 2021, UBND xã đã nghiệm thu công trình xử lý, giải phóng bãi tập kết rác tự phát - chỉnh trang đường giao thông nội đồng và công trình tu sửa kênh tưới nước La Sơn nhưng đến nay, gần 170 triệu đồng tiền thi công do ông bỏ ra vẫn chưa được UBND xã chi trả.
Không chỉ nợ người dân, UBND xã Hoằng Xuân hiện còn chưa thanh toán một số công trình do các doanh nghiệp thi công trên địa bàn. Ông Hà Ngọc Hân - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư ô tô Hồng Hà cho biết: Năm 2018, Công ty có ký hợp đồng với UBND xã Hoằng Xuân thi công dự án mương tiêu khu dân cư thôn Mỹ Cầu với giá trị hợp đồng là 217 triệu đồng. Sau gần 1 tháng thi công, đơn vị đã hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng nhưng tới nay, UBND xã vẫn chưa thanh toán tiền cho nhà thầu.
Chị Nguyễn Thị Huệ - đại diện Công ty TNHH Thanh Dung, đơn vị thi công Trường Mầm non Hoằng Xuân cho biết: Công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2021, đến nay, nhiều hạng mục vẫn chưa được UBND xã hoàn tất hồ sơ để thực hiện quyết toán cho doanh nghiệp. “Hiện nay, xã vẫn còn nợ chúng tôi 758 triệu đồng. Dù đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, gặp trực tiếp lãnh đạo xã nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết” - chị Huệ nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân xác nhận: Hiện tại, xã còn nợ hơn 25 tỷ đồng đối với gần 40 công trình đã thi công trên địa bàn. Theo ông Quang, 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm thanh toán là do ngân sách địa phương đang rất eo hẹp, và một số công trình chưa đầy đủ hồ sơ nên chưa thể thực hiện giải ngân.
“Theo thống kê của UBND xã, số nợ các công trình nhỏ lẻ, do người dân thi công là hơn 1 tỷ đồng, còn lại là nợ các doanh nghiệp” - ông Quang nói và cho biết, thời điểm khi Nghị định số 161/2016/NĐ-CP (thời gian thực hiện từ 2016 - 2020) về áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, do nhà nước và nhân dân cùng làm còn hiệu lực thì UBND xã sau khi nghiệm thu công trình, hoàn thiện hồ sơ có thể đề nghị thanh quyết toán cho các nhà thầu. Nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP thì các công trình trên để được thanh quyết toán vốn, nghiệm thu... phải được Phòng Kinh tế - Hạ tầng cấp huyện thẩm định. Do trong hồ sơ của các công trình này chỉ mới có xác nhận của UBND xã, chưa có thẩm định của huyện nên khi đưa lên kho bạc, họ không thể quyết toán, từ đó dẫn đến tình trạng nợ đọng ngày càng trầm trọng như hiện nay.
“Hiện tại, UBND xã đang phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Hoằng Hóa tìm hướng tháo gỡ, cố gắng trước mắt sẽ chi trả khoảng 600 triệu đồng cho những hộ đã thi công những công trình nhỏ lẻ bằng nguồn ngân sách địa phương. Vào thời điểm này, để xử lý dứt điểm các khoản nợ trên gần như là không thể. Sau sáp nhập, các khoản nợ còn tồn đọng tại Hoằng Xuân sẽ được chuyển giao cho xã mới để tiếp tục nghĩa vụ trả nợ cho người dân, doanh nghiệp” - ông Quang cho biết thêm.
Đình Minh