Điểm đến ‘hợp túi tiền’ trong kỳ nghỉ lễ
Thanh Hóa được ví như một ‘Việt Nam thu nhỏ’, sở hữu đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái và các vùng đồng bằng, miền núi, trung du, ven biển. Đặc biệt, trong số 1.535 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê bảo vệ, có 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh... Cùng với đó, địa phương còn có tới 102km đường bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng cả nước như: Sầm Sơn; Hải Tiến; Hải Hòa...
Trong hình là Bãi Đông, một bãi biển hoang sơ, kỳ vĩ, nằm tại xã đảo Nghi Sơn, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Đình Minh
Với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, trong thời gian qua, tỉnh đã quan tâm công tác lập quy hoạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay là 82 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 153 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (TP Sầm Sơn); khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên; khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại Quảng Nham; khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường…
Nhờ sự đầu tư hiệu quả, chiến lược phát triển du lịch rõ ràng, bước đầu, tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều ‘trái ngọt’ với những con số rất cụ thể. Năm 2022, Thanh Hóa đón trên 11 triệu lượt khách (khách quốc tế 245 nghìn lượt), tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, đứng thứ tư cả nước về thu hút khách du lịch; năm 2023, tỉnh đón gần 12,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 616 nghìn lượt), tổng thu đạt 24.505 tỷ đồng; 10 tháng năm 2024, tỉnh đón gần 14,7 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế 611 nghìn lượt), tổng thu từ du lịch đạt hơn 32.440 tỷ đồng. Từ những số liệu trên có thể thấy, sự thay đổi về cả lượng và chất của ngành công nghiệp không khói xứ Thanh đã rất rõ ràng.
Số liệu của Sở VHTTDL Thanh Hóa cung cấp, chỉ riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2024, TP Sầm Sơn đã đón tới 905 nghìn lượt khách. Ảnh: Đình Minh
Trước đây, khi hạ tầng phát triển du lịch còn hạn chế, cách làm du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ thì việc được xếp vào top 10, top 20 về số lượt khách và tổng doanh thu về du lịch đã là một thành công lớn của chính quyền sở tại.
Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Sau 10 năm, tính từ năm 2014, mảnh đất xứ Thanh đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ với sự đầu tư bài bản cho du lịch, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực lớn đến với Thanh Hóa. Lấy mốc thời gian ở năm 2014, khi cả tỉnh chỉ đón được 4,5 triệu lượt khách thì đến nay, con số tăng gấp 3 lần, đạt 14,7 triệu khách trong 10 tháng năm 2024 và đến cuối năm 2024, dự kiến con số này sẽ vượt 15,3 triệu lượt khách đến với Thanh Hóa.
Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, cứ sau mỗi dịp nghỉ lễ, Thanh Hóa sẽ luôn xuất hiện trong bảng xếp hạng top 3 địa phương thu hút nhiều lượt khách du lịch nhất toàn quốc. Lấy dẫn chứng trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 của 3 năm vừa qua, Thanh Hóa liên tục dẫn đầu cả nước với con số cụ thể là 577.400 lượt khách năm 2022; 1.195.000 lượt khách năm 2023 và 1.520.000 lượt khách năm 2024.
Chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng
Ngày 15/10 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa (CTPTDL) giai đoạn 2021-2025; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2026-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, có 2/4 nhóm chỉ tiêu du lịch đạt và vượt kế hoạch, gồm nhóm chỉ tiêu về cơ sở lưu trú và nhóm lao động du lịch. Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, với tổng số 48.600 phòng và 57.800 lao động trong ngành du lịch. Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2021-2025, toàn tỉnh ước đón trên 58,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 128.886 tỷ đồng.
Pù Luông là địa điểm du lịch thu hút đông lượt khách quốc tế nhất tại Thanh Hóa.
Từ năm 2021 đến nay, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn CTPTDL là hơn 213 tỷ đồng, thực hiện các nhóm nhiệm vụ như, phát triển sản phẩm du lịch gần 121,5 tỷ đồng, quảng bá xúc tiến du lịch hơn 69 tỷ đồng… Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 57 quy hoạch phục vụ phát triển du lịch trong đó có 48 quy hoạch đã được phê duyệt và 9 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 4.500 tỷ đồng.
Về cơ sở hạ tầng du lịch, toàn tỉnh hiện nay có 70 dự án, trong đó, 47 dự án hoàn thành và 23 dự án đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành hoặc khởi công mới, có giá trị kết nối các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh. Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, khai thác tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến – Đảo Nẹ (Hoằng Hóa), Nghi Sơn – Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn)…
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cần đánh giá lại toàn bộ những tồn tại, hạn chế trong CTPTDL để từ đó, có các giải pháp để thực hiện, xây dựng chiến lược phát triển du lịch một cách đồng bộ, toàn diện và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có kế hoạch phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa quảng trường Lam Sơn là một sản phẩm du lịch mới của xứ Thanh, được khai trương vào tháng 6/2024 tại TP Thanh Hóa. Ảnh: Đình Minh
Về các vấn đề liên quan đến CTPTDL Thanh Hóa trong giai đoạn tới, ông Thi đề xuất cần có thêm nhiều kiến nghị, đề xuất, bổ sung thêm thêm phần giải pháp, định hướng cũng phải rõ ràng hơn, tập trung nguồn lực, lồng ghép CTPTDL Thanh Hóa với phát triển kinh tế xã hội, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch để từ đó, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài ra, cũng cần tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để sớm đồng bộ cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Anh Tuấn