Thủ tướng yêu cầu các địa phương có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng trước 1-7. Ảnh: AI
Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, baochinhphu.vn đưa tin.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tối đa nguồn lực, tăng cường nhân sự cho các dự án đường sắt, đặc biệt là với Bộ Xây dựng.
Các nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng nguồn vốn; đề xuất Quốc hội điều chỉnh để đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục, phát triển công nghiệp, công nghệ đường sắt.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm; tháo gỡ vướng mắc, ưu tiên hướng tuyến "ngắn nhất, thẳng nhất"; ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực chất lượng cao, huy động doanh nghiệp tham gia sản xuất, chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù, trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây; xây dựng quyết định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt và nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, hoàn thành trước ngày 15-6.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực; chủ trì cùng các bộ và tập đoàn liên quan lựa chọn phương án giao doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thông tin tín hiệu đường sắt, hoàn thành hai việc này trong tháng 6.
Bộ Tài chính rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2025 để ưu tiên bố trí cho các dự án đường sắt, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5; hoàn thành đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong tháng 6.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng nghị định về tạm sử dụng và hoàn trả rừng phục vụ thi công dự án, hoàn thành trong tháng 6.
Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh xây dựng nghị định về phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và chuyển giao công nghệ và phối hợp Bộ Xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt, hoàn thành trong tháng 5.
Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND TPHCM khẩn trương hoàn thiện nội dung Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, trình trước ngày 15-5.
Các địa phương chủ động triển khai dự án đường sắt đô thị; nếu gặp vướng mắc ngoài quy định, cần nhanh chóng xin ý kiến hướng dẫn các bộ, ngành liên quan để đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Các địa phương có dự án đi qua chủ trì bồi thường, tái định cư, thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, gồm hoàn thành với dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong ngày 5-5, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước 1-7.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành với chiều dài gần 391km còn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km.
Đối với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết triển khai trong ngày 5-5; chủ trì làm việc với địa phương thống nhất quy mô, hướng tuyến trong tháng 5; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công tháng 12-2025. Các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2025.
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù, trình Chính phủ ngày 5-5, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9; các bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc, đảm bảo tiến độ khởi công cuối năm 2026.
Với các tuyến đường sắt đô thị, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất sử dụng vốn ODA/vốn vay ưu đãi với tuyến metro số 3 (Hà Nội - Yên Sở), trình Thủ tướng trong ngày 5-5.
UBND TPHCM hoàn thiện hồ sơ, dự thảo quyết định chuyển vốn ODA sang đầu tư công với tuyến metro số 2 (TPHCM - Tham Lương), trình trong ngày 5-5.
Gia Nghi