Theo quyết định, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND Thành phố Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Trụ sở Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (cũ).
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 1329/TTg ngày 19/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
UBND TP. Hải Phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg ngày 13/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật.
Tổ hợp KCN DEEP C thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng. Ảnh: Huy Dung.
Trưởng ban Ban Quản lý trình UBND Thành phố Hải Phòng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Trước khi thành lập mới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (cũ) trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thu hút 18,6 tỷ USD vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng thêm, đạt 186% so với chỉ tiêu Nghị quyết (10 tỷ USD), bằng 206% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, chiếm 97% tổng vốn FDI thu hút của toàn TP. Hải Phòng (cũ) trong cùng kỳ, chiếm 49% tổng vốn FDI dự kiến thu hút từ trước đến hết năm 2025 (37,8 tỷ USD với 645 dự án), khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Đối với vốn đầu tư trong nước (DDI), nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn này với tổng vốn thu hút dự kiến đạt 481.915 tỷ đồng (tương đương 20,6 tỷ USD), bằng 449% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, chiếm 68% tổng vốn DDI của toàn Thành phố. Lũy kế hết năm 2025, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) dự kiến thu hút 241 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 600.000 tỷ đồng (tương đương 25,6 tỷ USD).
Hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT đều chiếm trên 80% tổng giá trị tương ứng của toàn thành phố Hải Phòng, vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết (đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 80% kim ngạch xuất khẩu).
Không gian phát triển được mở rộng mạnh mẽ, chất lượng được nâng tầm. Hiện, có 8 KCN mới với gần 3.000 ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, sẵn sàng đón những dòng vốn mới. Đặc biệt, việc được Trung ương chấp thuận chủ trương thành lập KKT ven biển phía Nam rộng 20.000 ha, với hạt nhân là Khu thương mại tự do thế hệ mới, mở ra một chương phát triển lịch sử, đầy tiềm năng cho thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố còn có KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền nằm trong nhóm các KCN đầu tiên của cả nước tiên phong chuyển đổi sang mô hình sinh thái.
Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương (cũ), lũy kế hết năm 2024, các KCN đã thu hút 440 dự án đầu tư, bao gồm 331 dự án FDI với tổng vốn 6,6 tỷ USD và 92 dự án DDI với tổng vốn 19.282 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Đại An, phường Tứ Minh, TP. Hải Phòng.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tỉnh Hải Dương (cũ) được chấp thuận phát triển 32 KCN với tổng quy mô diện tích khoảng 5.661 ha. Đã thành lập được 17 KCN với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha; 12/17 KCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh; 4 KCN đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư; 1 KCN đang triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Với việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (mới) sau hợp nhất, trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 tới, Ban Quản lý ưu tiên hàng đầu là các đột phá về mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, xác định vai trò bứt phá của KKT ven biển phía Nam như một cực tăng trưởng mới của Thành phố. Chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để hình thành khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước, tận dụng tối đa dư địa phát triển sau hợp nhất hai địa phương. Tất cả nhằm tạo nên xung lực phát triển mới, góp phần đưa Hải Phòng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và vững vàng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá, tiến bước vào kỷ nguyên mới.
Ban Quản lý sẽ phát triển thêm 10 - 20 KCN mới và quyết liệt chuyển dịch các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái; Hoàn thành xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng KKT ven biển phía Nam và đưa vào vận hành hiệu quả Khu Thương mại tự do thế hệ mới; Hoàn thành chủ trương thành lập KKT chuyên biệt; Xây dựng ít nhất 5 KCN thông minh, quản lý bằng khoa học công nghệ, đi đầu trong chuyển đổi số; Thu hút vốn đầu tư FDI trong các KCN, KKT trong cả nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt từ 15 - 20 tỷ USD; Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đang hoạt động luôn duy trì ở mức trên 60%; Phấn đấu 100% các KCN mới khởi công đều có quy hoạch và triển khai xây dựng ký túc xá, cơ sở lưu trú cho công nhân, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở, đi kèm với các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ; Thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ nguồn, R&D, bán dẫn, AI...
Thanh Sơn