Bộ GTVT thành lập Tổ chỉ đạo triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VGP
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Trần Hồng Minh làm Tổ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy là Tổ phó. Ngoài ra, Tổ chỉ đạo còn có các vụ trưởng các vụ như Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học, công nghệ và Môi trường, Tài chính, Đường sắt Việt Nam, viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải và Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải…
Tổ chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo đúng quyết định của Quốc hội. Tổ sẽ đảm bảo các cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng hiệu quả và giải quyết, kiến nghị kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thành lập 4 nhóm công tác chuyên môn để hỗ trợ triển khai dự án. Các nhóm này sẽ chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể cho từng lĩnh vực công việc, từ triển khai dự án, đào tạo nhân lực đến phát triển công nghiệp và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trước đó, ngày 26-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách để triển khai dự án đường sắt cao tốc, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bộ GTVT được đề nghị xem xét sửa đổi Luật Đường sắt, phải tính toán, đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt tốc độ cao, có chế chính sách đặc thù để làm được đường sắt cao tốc.
Ngoài ra, bộ cũng cần có những cơ chế, chính sách để lựa chọn "trúng, đúng" tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu thế giới tham gia các khâu đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị tư vấn của Việt Nam có thể tham gia, học hỏi, nâng cao năng lực.
Ngày 30-11-2024, Quốc hội chính thức thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Toàn tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng hoàn toàn mới với khổ đường 1.435mm, đạt tốc độ thiết kế 350km/h. Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, dự án sẽ đi qua 20 tỉnh thành của Việt Nam, có mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỉ đồng, khoảng 67 tỉ đô la Mỹ từ nguồn ngân sách và các vốn hợp pháp khác.
Gia Nghi