Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Vận hội mới cho Huế

Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Vận hội mới cho Huế
2 giờ trướcBài gốc
Đây không chỉ là sự chuyển dịch không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Cơ hội phát triển
Sau gần 15 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, Thừa Thiên Huế đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Huế từ lâu được biết đến là một trung tâm đào tạo nhân lực có uy tín. Rất nhiều nhân tài về Huế làm việc đồng nghĩa với việc thành phố đang sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, về phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn thời gian tới, nhu cầu đầu tiên là về nhân lực, Huế hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Một góc TP Huế nhìn từ trên cao
Huế còn có lợi thế có thể phát triển du lịch bền vững, với rất nhiều khu du lịch để phát triển thành chuỗi du lịch, dịch vụ trải nghiệm đa dạng từ Bạch Mã, Lăng Cô đến phá Tam Giang… Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 8 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Đây là những thế mạnh rất đặc thù và vượt trội so với các thành phố khác ở miền Trung và trên cả nước.
“Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương được xem là một chiến lược của Trung ương và Bộ Chính trị, để Huế cùng với TP Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm của miền Trung. Điều này sẽ đánh thức nhiều tiềm năng của Huế mà hiện còn ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Định hướng mới này kỳ vọng sẽ kích thích không chỉ là sự phát triển của TP Huế mà cả khu vực miền Trung”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đặc biệt, với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Khát vọng vươn lên
Chưa bao giờ một kỳ họp Quốc hội được cử tri và nhân dân Thừa Thiên Huế mong chờ đến thế. Ông Nguyễn Quốc (phường An Tây, TP Huế) cho biết, câu chuyện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Huế không phải bây giờ mới nhắc đến, nhưng đây là thời điểm “chín muồi” để đạt được mục tiêu.
“Nhiều năm trước, chúng tôi mong muốn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng, điều kiện lúc đó còn nhiều khó khăn, mục tiêu đó đã không thể đạt được. Bây giờ, không chỉ tôi mà người dân cả tỉnh đều mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương”, ông Quốc chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Văn Hướng, Trưởng thôn 10, xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) phấn khởi nói, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, ngoài việc bộ mặt địa phương sẽ thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên. “Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Hướng nói.
Với “thế” và “lực” mới, chắc chắn TP Huế sẽ “cất cánh” bằng chính tiềm năng to lớn và nội lực mạnh mẽ của riêng mình. Biến thách thức thành cơ hội để Huế vươn lên, chuyển mình một cách mạnh mẽ, nâng tầm vị thế và hình ảnh của Huế.
Theo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, TP Huế sẽ có diện tích gần 5.000km² và khoảng 1,2 triệu dân; với 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng, trong tiến trình hiện thực mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cao, quyết tâm lớn để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó một trong những nền tảng quan trọng là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, góp phần quảng bá, tạo nền tảng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
“Thừa Thiên Huế có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị thế bằng những cách làm mới, sáng tạo và khác biệt. Tỉnh đã xác định, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của vùng, nhất là kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng”, ông Lê Trường Lưu khẳng định.
“Hồi sinh” di sản Huế
Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 8 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu… được UNESCO vinh danh. Đây là “gia tài” to lớn, là nguồn lực trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm... Nhưng đã có một thời gian dài, không chỉ giới nghiên cứu mà ngay cả người dân bình thường cũng phải thốt lên rằng: “Sự gặm nhấm của thời gian có thể khiến cho cả cung đình Huế sụp đổ” khi gần 2/3 trong tổng số gần 300 công trình kiến trúc tại Huế trở thành phế tích. Số còn lại trong tình trạng hư hại, xuống cấp nghiêm trọng vì thiên tai, bom đạn và sự vô tình của con người trong cuộc mưu sinh.
Trong khi đó, công tác bảo tồn di sản không những phải đảm bảo các nguyên tắc khoa học của quốc gia; thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế mà còn chịu tác động mạnh từ bối cảnh đô thị hóa. Không những thế, sau khi được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1993, theo quy định cứ 2 năm một lần, UNESCO lại tiến hành đợt thanh tra công tác bảo tồn, trùng tu Quần thể di tích Cố đô Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Quần thể di tích Cố đô Huế đã trải qua 2 thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và 2010-2020).
Từ năm 1996 đến nay, đã có gần 200 công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật như điện Kiến Trung, Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh... Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Đúng dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-1945 - 23-11-2024), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa và động thổ công trình Tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh.
Đây là tín hiệu vui, làm nức lòng người yêu di sản. Đây được xem là những minh chứng sống động trong công cuộc hồi sinh Di sản Huế mà UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho biết, 30 năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này, để bây giờ, cả quần thể di tích cố đô Huế đã được hồi sinh mạnh mẽ.
THIÊN ÂN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/thanh-lap-tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-van-hoi-moi-cho-hue-post770368.html