'Chẳng có gì nguy hiểm như bác sĩ nói cả'
Bác sĩ Dương Minh Tuấn - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về trường hợp nam bệnh nhân 36 tuổi bị viêm tụy cấp.
Khi nhập viện, xét nghiệm máu thấy huyết tương đục như nước gạo, triglyceride máu cao quá không đo được. Bệnh nhân được cấp cứu ở bệnh viện chuyên sâu, được lọc máu kịp thời, tình trạng viêm tụy cấp và mỡ máu cao cũng dần trở về bình thường.
Cách đây mấy tháng, người đàn ông này đến Bệnh viện Bạch Mai khám sức khỏe tổng quát vì công việc thường xuyên phải nhậu. Xét nghiệm máu nồng độ triglyceride tăng đến 21,5 mmol/l (bình thường < 1,7 mmol/l) nghĩa là đã gần mức rất nặng. Bác sĩ Tuấn đã tư vấn bệnh nhân cần nhập viện theo dõi vì tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối vì cho rằng cơ thể hoàn toàn bình thường và chỉ xin đơn thuốc về nhà uống.
Ngày hôm sau, bệnh nhân này có sử dụng dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà và triglyceride đã giảm xuống còn 8,5 mmol/l. Bệnh nhân nghi ngờ xét nghiệm trước đó tại bệnh viện sai, hoặc do lấy máu ngay sau đêm nhậu nên phản ánh không chính xác.
Bệnh nhân bỏ nhậu 3 ngày và xét nghiệm máu, thấy triglyceride có 4,3 mmol/l và yên tâm vì cho rằng xét nghiệm trước đó chưa chính xác. Sau đó, người đàn ông này phản ảnh lại với bác sĩ Tuấn rằng: “Chẳng có gì nguy hiểm như bác sĩ nói cả! Vấn đề là tôi ăn nhậu điều độ và thời điểm lấy xét nghiệm máu thôi bác sĩ. Thế mà chú dọa anh như đúng rồi!"
Kết quả xét nghiệm, lọc máu đục như sữa của bệnh nhân "đam mê" nhậu. Ảnh: BVBM.
Theo bác sĩ Tuấn, nếu ăn nhậu điều độ theo chu kỳ và kéo dài đến một lúc mỡ máu sẽ không trở về bình thường ngay được sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm tụy cấp. Nhưng nam bệnh nhân này suy nghĩ nhậu điều độ mỡ máu sẽ “thích nghi”.
Sau 5 ngày nghỉ ăn nhậu, bệnh nhân đi uống rượu thì bụng chợt đau chói không chịu nổi và phải vào viện cấp cứu vì viêm tụy cấp.
Những 'thánh nhậu' không run sợ
Tăng triglyceride máu nặng (>11,1 mmol/L) và rất nặng (>22,2 mmol/L) thực sự là nỗi khiếp đảm với nhiều bác sĩ, bao gồm cả các bác sĩ nội tiết vì đây là thủ phạm gây xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ và đặc biệt là viêm tụy cấp tái phát, dẫn đến đái tháo đường.
Tại bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp tăng triglyceride máu nặng phải nhập viện, có trường hợp tăng tới 100 mmol/L, đa phần là những “thánh nhậu”.
Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân khác 36 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu với tiền sử bị viêm tụy cấp 6 lần, dẫn đến đái tháo đường, đang phải điều trị bằng insulin 2 mũi/ngày.
Tuy nhiên, người đàn ông này không sợ, vẫn giữ cân nặng gần 100kg và thỉnh thoảng lại có vài trận rượu. Sau khi tham gia nhiệt tình vào một cuộc liên hoan nhiều rượu thịt dẫn đến viêm tụy cấp lần thứ 7, kết quả xét nghiệm thấy máu toàn sữa đặc.
Theo bác sĩ Tuấn, viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của các nhu mô tụy, có thể bao gồm cả tổn thương của các tổ chức cơ quan lân cận và có thể gây tử vong.
Vì vậy, khi phát hiện người bệnh tăng triglyceride, các bác sĩ đều phải yêu cầu thực hiện bước đầu tiên là thay đổi lối sống. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị viêm tụy cấp, cần thực hiện chế độ ăn rất ít chất béo (10% - 15% tổng lượng calo). Ngoài ra, kiêng rượu và hạn chế ăn cacrbohydrate tinh chế và đồ ngọt. Bệnh nguy hiểm nhưng chỉ cần một lối sống lành mạnh là có thể làm giảm nguy cơ mắc.
Phương Thúy