Bệnh viện E vừa tiếp nhận nam thanh niên (18 tuổi, Hà Nội) nhập viện với tổn thương loét da vùng cẳng chân có chảy dịch vàng, mùi hôi, kèm theo viêm da đỏ xung quanh tổn thương loét… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, qua kết quả khám lâm sàng cùng các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán viêm da nhiễm trùng và có chỉ định nhập viện điều trị xử lý ổ viêm.
Theo lời kể của người bệnh, sau tai nạn giao thông, người bệnh chỉ bị trầy xước da nhẹ vùng cẳng chân, gối khoảng 5-6cm. Với tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đây chỉ là vết thương nhỏ, ngoài da nên người bệnh chỉ sơ cứu qua loa và không chăm sóc vết thương đúng cách.
Thay vì đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn, nam thanh niên này lại nghe theo kinh nghiệm dân gian, dùng thuốc kháng sinh dạng bột rắc trực tiếp lên vết thương. Hậu quả sau khoảng 2 tuần, vết thương của bệnh nhân không lành mà quanh miệng vết thương bắt đầu xuất hiện tình nhiều tổn thương sẩn đỏ.
Bệnh nhân sau đó đến Bệnh viện E thăm khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi. Tuy nhiên nam thanh niên này vẫn chủ quan không tuân thủ, chọn cách tự điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh đường uống.
Sau 5 ngày, tình trạng bệnh không những không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn: vết thương chảy dịch mủ, đau đớn, hạn chế đi lại, sẩn đỏ và mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Chỉ đến khi không thể chịu đựng thêm, nam thanh niên mới quay lại bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, cần dùng kháng sinh mạnh kết hợp chăm sóc y tế tích cực tại viện để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.
ThS.BS Phạm Thị Thu Hằng - Khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu cho biết, ở người bệnh này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da là do sự xâm nhập của vi khuẩn qua vết thương hở và việc vệ sinh không đúng cách như tự ý sử dụng thuốc rắc lên bề mặt vết thương làm ngăn quá trình tự tái tạo của cơ thể mà còn có nguy cơ gây kích ứng da, tạo môi trường yếm khí giúp vi khuẩn phát triển thuận lợi hơn.
Bác sĩ Hằng cảnh báo, việc chăm sóc vết thương đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da. Ngay khi bị trầy xước hoặc tổn thương, người bệnh cần rửa sạch vết thương, sử dụng các dung dịch sát khuẩn để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, sau đó rửa vết thương hàng ngày với nước muối sinh lý, nên để vết thương thông thoáng tạo điều kiện cho quá trình lành da.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như rắc bột thuốc kháng sinh, đắp lá cây hay bất kỳ nguyên liệu không được kiểm chứng khác lên vết thương. Những cách làm này không chỉ không đảm bảo vệ sinh mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ định có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Minh Trang