Vừa qua, ThS.Bs Calvin Q Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và hình thể HMR chia sẻ về trường hợp nam bệnh nhân mới 19 tuổi, bị vẹo cột sống nặng do tập gym sai cách.
Nam sinh cho biết đã tập gym hơn 2 năm. Trong khoảng thời gian này, anh liên tục nâng tạ tới 200kg. Thời gian gần đây, anh phát hiện thân trên lệch rõ nên đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán bị vẹo cột sống 50 độ.
Chàng trai bị vẹo cột sống nặng do nâng tạ 200 kg
Theo bác sĩ, nam bệnh nhân bị chấn thương cột sống thắt lưng thường gặp ở người tập nâng tạ. Mức tạ càng nặng, rủi ro chấn thương càng cao. Trong một số trường hợp, nâng tạ nặng sai cách có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người tập sau này.
Tập tạ không đúng cách nguy hiểm thế nào?
Nâng tạ là hình thức tập thể dục an toàn, mang lại nhiều lợi ích về xương khớp nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, nếu nâng tạ sai tư thế, không gồng chặt cơ trung tâm, người tập sẽ vô tình tạo áp lực lớn lên đốt sống thắt lưng.
“Về lâu dài, điều này dễ dẫn đến đau lưng, cong vẹo, chấn thương đột ngột cột sống thắt lưng hoặc làm nặng thêm thoái hóa đĩa đệm thắt lưng”, bác sĩ Calvin nhận định.
Do đó, để hạn chế đau lưng, chấn thương khi nâng tạ, mọi người nên khởi động đầy đủ và chọn mức tạ phù hợp với khả năng, tập từ trọng lượng thấp. Song song đó, người tập cũng cần xây dựng hệ cơ nền tảng đủ mạnh mới nâng dần mức tạ.
Ngoài ra, người mới bắt đầu nên tập nâng tạ cùng huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn để đảm bảo đúng kỹ thuật, hạn chế chấn thương.
Ảnh minh họa
Vẹo cột sống ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Trước hết, cong vẹo cột sống gây ra ảnh hưởng về ngoại hình của người bệnh, gây mất cân đối, rối loạn tư thế, dáng đi, hạn chế hoạt động, khiến bệnh nhân tự ti, mặc cảm trong cuộc sống.
Cong vẹo cột sống trong các trường hợp nặng gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như xẹp xương sườn khiến ngực lép, xẹp phổi làm giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp, dẫn đến suy tim, phù nề, khó thở, biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nữ giới.
Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, bệnh sẽ trở thành dị tật, gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm và kéo dài thời gian cũng như làm tăng thêm chi phí chữa cong vẹo cột sống.
Cách phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống bằng cách thay đổi hành động và thói quen hàng ngày, bao gồm:
- Ngồi học hoặc ngồi làm việc đúng tư thế, ngồi thẳng lưng, không cúi đầu quá thấp, không vẹo sang trái hoặc sang phải khi đang ngồi học.
- Đảm bảo bàn ghế và môi trường làm việc/học tập thoải mái, không gây căng thẳng cho cột sống
- Tập luyện và lao động vừa sức, cân đối để tăng cường sức khỏe và sự linh hoạt của cột sống.
- Thực hiện các bài tập giãn cơ và tập luyện thể dục định kỳ để duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của cột sống.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm việc cung cấp đủ canxi và vitamin D để tăng cường sức khỏe xương.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, việc khám sức khỏe cơ xương Khớp định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về cột sống. Đặc biệt, với trẻ em cần chú trọng việc kiểm tra định kỳ để các bệnh như cong vẹo cột sống có thể được chẩn đoán và quản lý sớm.
M.H (th)