Su từng đầu độc mèo hoang ở trường và bị ghi vào hồ sơ kỷ luật. Ảnh: Sixth Tone.
Ngày 19/6 vừa qua, giới chức thành phố Quế Lâm (Trung Quốc), công bố danh sách kết quả tuyển dụng vị trí nhân viên tại Trung tâm Dịch vụ Công cộng thị trấn Đồng An. Người đứng đầu danh là một sinh viên mới tốt nghiệp, họ Su, với số điểm thi viết và phỏng vấn cao nhất.
Vị trí công chức cơ sở này hứa hẹn mang lại sự ổn định giữa bối cảnh thị trường việc làm đầy cạnh tranh, đồng thời là bước đệm quan trọng cho sự nghiệp dài lâu trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai tuần sau khi công bố danh sách trúng tuyển, Su mất suất làm việc.
Theo Sixth Tone, Su bị hủy kết quả trúng tuyển với lý do "không đạt yêu cầu về phẩm chất đạo đức”. Cụ thể, vào mùa thu năm 2024, một loạt mèo hoang chết bất thường trong khuôn viên Đại học Nông nghiệp Hoa Trung. Thông qua điều tra, nhà trường và cảnh sát xác định Su là người trộn thuốc vào nước uống của mèo, khiến chúng tử vong vì suy hô hấp.
Ngày 7/12/2024, nhà trường đã ban hành quyết định cảnh cáo nghiêm khắc đối với Su, nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nội quy nhà trường. Hình phạt này được ghi vĩnh viễn trong hồ sơ sinh viên của nam sinh và sau đó bị truy lại trong quá trình tuyển dụng công chức.
Ngay sau khi thông tin ứng viên họ Su lọt vào danh sách trúng tuyển, dân mạng đã nhanh chóng truy vết và nghi ngờ Su có liên quan vụ việc tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung. Hàng loạt người gửi kiến nghị yêu cầu loại người này khỏi danh sách.
Đến ngày 29/6, một cán bộ nhân sự xác nhận với truyền thông trong nước rằng họ đã nhận được nhiều báo cáo liên quan ứng viên này và sẽ kiểm tra xác minh. Chỉ một ngày sau, chính quyền thị trấn Đồng An chính thức xác nhận ứng viên đứng đầu kỳ tuyển dụng là người từng bị kỷ luật vì đầu độc mèo. Thông tin này nhanh chóng làm bùng lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội.
Theo quy định tuyển dụng công chức năm 2025 của thành phố Quế Lâm, những người đang chịu hình thức kỷ luật hoặc thiếu phẩm chất đạo đức không đủ điều kiện dự tuyển. Quy định cũng cho phép loại ứng viên trong các trường hợp khác nếu bị đánh giá là không phù hợp với môi trường công vụ.
Một bộ phận dân mạng cho rằng hình phạt của nhà trường dành cho Su quá nặng. “Anh ta đã chịu phạt rồi. Chẳng lẽ vì mấy con mèo mà hủy cả tương lai của người ta?”, một người viết trên nền tảng Weibo. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến ủng hộ việc loại Su khỏi danh sách.
Bàn về vấn đề của Su, tờ Beijing News nhận định ngược đãi động vật không phải chuyện nhỏ. Hành vi này làm tổn thương nền tảng cảm xúc của xã hội.
"Việc cho phép những người như vậy gia nhập bộ máy nhà nước chẳng khác nào ngầm cổ súy cho hành vi đó. Đây không phải là phủ nhận cơ hội chuộc lỗi cá nhân, mà là vì lợi ích chung. Công vụ đòi hỏi sự tin cậy và không có chỗ cho thử nghiệm rủi ro", tờ Beijing News nhấn mạnh.
Su không phải trường hợp duy nhất mất suất vì vi phạm đạo đức. Trong vài năm gần đây, nhiều sinh viên Trung Quốc cũng bị từ chối cơ hội học cao học hoặc mất suất vào nhà nước vì từng dính líu đến các vụ ngược đãi động vật. Cụ thể, trong năm 2023, một thí sinh bị cấm thi cao học vì hành vi tương tự. Đến đầu năm 2024, một sinh viên khác bị loại khỏi vòng phỏng vấn với lý do liên quan.
Thái An