Marib ở Yemen là một trong những thành phố cổ thịnh vượng nhất thế giới. Nằm gần thành phố cổ này là tàn tích của một trong những kỳ quan kỹ thuật lớn nhất của thế giới cổ đại: đập Marib. Ảnh: George Steinmetz.
Trong suốt thời gian tồn tại, đập Marib đã biến sa mạc thành ốc đảo, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hơn 100 km2 diện tích đất cát xung quanh Marib - thành phố lớn nhất miền nam Arab thời đó và cũng là trung tâm quyền lực của vương quốc Saba. Ảnh: Dennis/Flickr.
Vương quốc Saba phát triển thịnh vượng nhờ buôn bán dọc theo Con đường Gia vị (hay còn gọi Con đường Hương liệu) kết nối miền nam Arab với cảng Gaza trên biển Địa Trung Hải. Thành phố cổ Marib cũng là một trong những điểm dừng chân dọc tuyến đường mà các thương gia sẽ nghỉ ngơi và trao đổi hàng hóa. Ảnh: Dennis/Flickr.
Marib nổi tiếng với việc buôn bán 2 sản phẩm quý hiếm và đắt đỏ thời bấy giờ là trầm hương và mộc dược (được lấy từ nhựa cây trồng trên khắp Arab). Những loại cây tạo ra trầm hương và mộc dược có ưu điểm là chịu hạn cực kỳ tốt. Tuy nhiên, chúng cũng cần được người dân chăm sóc cẩn thận như những loại cây nông nghiệp khác. Ảnh: AmyLv/Shutterstock.com.
Để phát triển canh tác nông nghiệp trên sa mạc khô cằn, người Saba đã xây dựng mạng lưới tưới tiêu rộng lớn gồm các giếng và kênh. Trung tâm của hệ thống này là đập Marib. Được xây từ vữa và đá, đập Marib chắn qua khe núi lớn cắt ngang đồi Balaq. Theo ước tính hiện đại, con đập cao 15m và dài khoảng 580m. Vào khoảng năm 1750 trước Công nguyên đến năm 1700 trước Công nguyên, khi mới xây dựng lần đầu tiên, đập Marib có thể trông khá khiêm tốn. Ảnh: CC BY SA 4.0.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 7 trước Công nguyên, đập Marib trở thành công trình đồ sộ với các trụ bằng đá và vữa lớn ở đầu phía Bắc và phía Nam của công trình, kết nối với những phần bằng đá ở hai bên sông. Những trụ đá này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Inam’s Water World.
Trong suốt suốt nhiều thế kỷ sau, các thế hệ người Saba bảo vệ, trùng tu và vận hành đập Marib. Sau đó đến người Himyarite tu sửa công trình, xây thêm các đập tràn, cống, bể lắng và một kênh dài dẫn đến bể phân phối. Công việc trùng tu, sửa chữa và xây mới tiếp tục cho đến thế kỷ 4. Ảnh: Inam’s Water World.
Khi đó, thành phố Marib không còn là thị trường của trầm hương và mộc dược do sự phát triển của Cơ Đốc giáo. Bởi lẽ, trong thời kỳ đầu, Cơ Đốc giáo cấm sử dụng trầm hương vì nó gắn liền với việc thờ cúng ngoại giáo. Khi tình hình giao thương xuống dốc, thành phố Marib dần lụi tàn. Ảnh: Fair Use.
Đập Marib không được trùng tu, sửa chữa định kỳ rơi vào tình trạng hư hỏng. Những kỹ thuật thủy lực phức tạp nổi tiếng của người Saba bị mai một theo thời gian. Từ giữa thế kỷ thứ 5 trở đi, con đập bắt đầu nứt vỡ thường xuyên. Đến năm 570, đập bị nước tràn lần cuối khiến công trình sụp đổ. Ảnh: Fair Use.
Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về nguyên nhân khiến đập Marib sụp đổ như: mưa lớn, động đất. Dù chưa rõ lý do chính xác là gì nhưng sự sụp đổ của đập Marib đã khiến hệ thống tưới tiêu bị phá hủy và buộc khoảng 50.000 người phải di cư đến các khu vực khác của bán đảo Arab để sinh sống. Thành phố Marib dần dần rơi vào quên lãng. Ảnh: Fair Use.
Mời độc giả xem video: Thám hiểm thành phố chìm dưới bể bơi sâu nhất thế giới.
Tâm Anh (theo Amusingplanet)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/thanh-pho-co-dai-bi-diet-vong-sau-khi-dap-nuoc-sup-do-2076480.html