Thành phố có sông ôm

Thành phố có sông ôm
14 giờ trướcBài gốc
Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Tròn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần anh trở lại đều không thể không ghé bến Bạch Đằng - nơi anh cảm nhận rõ nhất những đổi thay. Chỉ vài cây số dọc theo bờ sông, mà là cả một dòng chảy ký ức, từ những bến nước xưa, những con tàu, những mái nhà đổi thay, cho đến số phận của con người, tất cả hiện lên theo từng bước chân đi rõ ràng, xúc động và thẳm sâu.
Từ Bến Nghé của tiền
Tôi không biết được chính xác cái tên Bến Nghé được viết vào sử sách từ khi nào, chỉ nhớ cụ Nguyễn Đình Chiểu viết trong bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” đã có từ “Bến Nghé”, rồi bài thơ “Chạy giặc” có câu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.
Tham quan Huế, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu 9 chiếc đỉnh lớn được đúc bằng đồng đặt ở Đại Nội từ năm 1837. Chín chiếc đỉnh đồng đó có khắc 153 bức họa phong cảnh, 9 bức họa thư và có hình ảnh của 18 con sông khắp Việt Nam. Chiếc Cao đỉnh có khắc hình ảnh của Ngưu Chử Giang - Sông Bến Nghé, nay gọi là sông Sài Gòn. Từ lâu rất lâu trước khi đúc đỉnh đồng, ở khúc sông này chiều chiều có hàng đàn trâu, nghé, bò, bê ra đầm mình ngâm nước nên đã hình thành cái tên Bến Nghé hay còn gọi là Bến Trâu. Bến Trâu - Bến Nghé cũng được lưu tên trong bài “Gia Định thất thủ vịnh” .
“Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.
Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu.
Dây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng”.
Cái tên Bến Nghé đã được chính quyền cũ đặt tên cho một phường thuộc quận 1 từ năm 1959. Đất nước thống nhất, năm 1976, phường Bến Nghé chia thành 3 phường, đánh số là phường 8, 9 và 10. Đến năm 1988, phường Bến Nghé được tái lập. Không rõ sau đợt sáp nhập mở rộng TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi nhập lại các phường sắp tới thì cái tên phường Bến Nghé có giữ lại hay không. Nhưng cho dù đã có lúc đất nước bị xâm lăng, có lúc “Bến Nghé của tiền tan bọt nước”, dù chính quyền có thay đổi, dù cho không còn được đặt tên phường đi chăng nữa, thì nước sông Bến Nghé - sông Sài Gòn vẫn chảy. Của tiền không mất đi, mà khi tiếng súng của chiến tranh tắt lịm thì ta lại nghe tiếng nước vỗ, tiếng dòng tiền lại luân chuyển trên dòng sông này.
Sông Sài Gòn được mệnh danh là dòng sông của những con tàu.
Đến trung tâm tài chính quốc tế
Chúng tôi bắt đầu đi bộ từ cầu Mống cổ xưa làm từ năm 1893. Đó là một công trình bằng thép, nay sơn màu xanh rất đẹp, là một điểm thu hút các bạn trẻ, các đôi lứa đến hẹn hò chụp ảnh. Từ trên cầu nhìn về bờ thấy hai tòa nhà đồ sộ bằng đá - dấu ấn của sự giàu có trên khúc sông này. Một tòa nhà là của Anh quốc (Ngân hàng HSBC), còn tòa kia là của Pháp (Ngân hàng Đông Dương), nay cả hai tòa nhà đồ sộ này đều thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bến Nghé của tiền có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi khu này giữ rất nhiều tiền mặt, đây có lẽ là một phường giàu có bậc nhất nước Nam. Riêng dòng tiền chảy qua Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hàng ngày cỡ hàng tỷ USD. Còn bất động sản, tiền ngầm nữa chứ. Những căn nhà quanh khu vực sông này, ở phường Bến Nghé như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi… đều có giá trị rất cao. Khi đêm về, đi thuyền trên sông Sài Gòn, thành phố lung linh những ánh đèn từ các cao ốc. Chỉ tính quanh khúc sông Sài Gòn, với tòa nhà Landmark 81 tầng, khu Sài Gòn Pearl, các cao ốc khu Ba Son, rồi các tòa nhà bên phía Thủ Thiêm, khu Sala, bên quận 4, mỗi ô cửa sáng đèn kia có giá khoảng 100.000 USD, thì bầu trời những ngôi sao đô thị kia phải hàng trăm tỷ USD.
Phía bờ bên kia sông, chỉ vài năm nữa thôi sẽ thay đổi hoàn toàn thành Trung tâm tài chính quốc tế. Chính phủ đã ấp ủ đề án này từ nhiều năm trước, biến một phần bán đảo Thủ Thiêm thành nơi có các trụ sở ngân hàng lừng danh, thành thị trường tiền tệ, thị trường vốn, chứng khoán. Chính phủ đã quyết, Thành phố đã quy hoạch xong, kỳ tới Quốc hội thông qua quy chế… thì rồi Bến Nghé - Thủ Thiêm sẽ sánh vai với Phố Đông, bến Thượng Hải.
Từ bến Nhà Rồng đến bến cảng tỷ đô
Tôi chỉ cho anh thấy 2 tòa nhà liên quan nhiều tới ngành hàng hải Việt Nam, đó là Bến Nhà Rồng và Khách sạn Majestic.
Tòa nhà 3 tầng bề thế có mái ngói như mái đình nằm ngay mom sông trước kia là trụ sở của Hãng vận tải Messageries Maritimes từ năm 1864 đến năm 1955. Sau một quá trình dài sáp nhập và mua lại, hãng vận tải này hiện tại có tên viết tắt là CMA CGM - thường thấy sơn trên các thùng container ở Việt Nam.
Hồi đất nước mới thống nhất, Tổng cục Đường biển Việt Nam đặt trụ sở văn phòng tại đây. Khi Nhà nước quyết định dùng tòa nhà này làm Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì chỉ trong vài ngày, Tổng cục di dời về tòa nhà số 27-28 Tôn Đức Thắng, ngay liền kề với Khách sạn Majestic.
Một điều rất thú vị là chính hãng tàu CGM này năm 1989 đã trở lại TP.HCM sau khi Việt Nam và Pháp ký Hiệp định hàng hải, để cùng với Tổng cục Đường biển lập lên Công ty Liên doanh Vận tải biển Việt Pháp - Gemartrans, đặt trụ sở tại tòa cao ốc số 27-28 Tôn Đức Thắng. Đến năm 1994, cao ốc này được gộp vào thành Khách sạn Majestics tráng lệ ngay bến Bạch Đằng.
Lịch sử lặp lại như một vòng xoáy trôn ốc. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, các thống đốc quân sự Pháp đã giao hãng vận tải biển Messageries Impériales xây dựng khu thương cảng Sài Gòn (Port de Commerce de Saigon). Cảng Sài Gòn trong gần 2 thế kỷ là cảng lớn nhất Đông Dương. Ngày nay, cảng lớn nhất nước có giá trị hàng tỷ USD, đứng trong hàng 19 cảng nước sâu toàn cầu, đón được những tàu lớn nhất thế giới là cảng Gemalink tại Vũng Tàu (thuộc địa phận của TP.HCM mới). Cảng này do chính Công ty Gemadept - một doanh nghiệp Việt xây dựng và chiếm 75% vốn, còn hãng tàu hàng đầu thế giới CMA-CGM (Pháp) có nguồn gốc từ hãng Messageries Maritimes ngày xưa chiếm 25% vốn.
Dòng sông của những con tàu
Đi bộ đến khúc cầu tàu Bến Bạch Đằng, tôi và anh cùng điểm lại những loại tàu đã từng chạy trên khúc sông này 50 năm qua.
Tôi nhớ lại hình ảnh 2 con tàu đặc biệt thời đất nước hòa bình, mới mở cửa. Quãng năm 1990 -1995 nằm ở bến tàu khách Bạch Đằng bây giờ là một khách sạn nổi 5 sao gọi là Floating Hotel. Rất nhiều đoàn khách nước ngoài, các buổi ký kết hợp tác đã diễn ra tại khách sạn này, nó như một dấu ấn của không khí hồ hởi làm ăn trở lại sau nhiều năm bao cấp trì trệ. Con tàu đặc biệt thứ hai là tàu Hậu Giang chở container. Đây là con tàu đầu tiên mang cờ Việt Nam mà chở container chuyên tuyến TP.HCM đi Singapore đều đặn mỗi tuần một chuyến. Phương thức vận tải này mở ra một chương mới cho ngành hàng hải Việt Nam nối liền với thế giới.
Chuyên chở hàng hóa, ngày xưa trên dòng sông này chỉ có xuồng, ghe, thuyền gỗ, thuyền buồm ghe bầu, ghe tam bản, tàu hơi nước, tàu nhỏ, nay có rất nhiều tàu sông loại lớn xếp 3 lớp dễ đến 200 container mỗi tàu. Sông muôn đời nay vẫn chảy như thế. Nhưng người sống ở Sài Gòn dám nghĩ dám làm, thì dòng sông sẽ đáp lại thịnh tình. Thật là ích lợi quá! Sông đã chia sẻ giúp đất bờ đường bộ gánh nặng oằn mình hàng vài triệu chuyến xe tải mỗi năm.
Chuyên chở hành khách, xưa chỉ có đò dọc, đò ngang, nay có tàu cao tốc chạy thẳng ra Vũng Tàu, có cả xe buýt sông, taxi sông, lại có cả tàu khách đường dài chạy ra Côn Đảo, sang Nam Vang (Phnom Penh). Thỉnh thoảng có cả những con tàu khách cao như tòa khách sạn chục tầng màu trắng lịch lãm cập bến Nhà Rồng.
Phục vụ khách tham quan, du ngoạn trên sông, xưa chỉ có mấy chiếc tàu Mỹ Cảnh, nay có rất nhiều du thuyền sang trọng, nhiều tàu khách mấy tầng vừa ăn uống nghe hát, vừa ngắm cảnh Sài Gòn By Night.
Sông Sài Gòn quả là dòng sông sinh ra là để dành cho những con tàu, bởi thiên nhiên ban tặng cho một chế độ thủy triều lên xuống rất đều đặn - bán nhật triều. Nghĩa là một ngày trong 24 tiếng có 2 lần nước lên cao và 2 lần nước xuống thấp. Ngày xưa, các ghe tàu, thuyền buồm chạy bằng sức gió, sức nước, sức chèo lợi dụng hiện tượng thiên nhiên này và thường neo đậu thành từng cụm ở một khu vực ngã ba sông chờ con nước mà chạy tiếp, nên sau này gọi là Nhà Bè - “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Chưa có một con số nào thống kê cụ thể được dòng sông này mỗi năm chuyên chở bao nhiêu vạn container, bao nhiêu triệu tấn hàng, bao nhiêu lượt tàu qua lại. Nhưng nếu người ta nhìn nhận đúng tiềm năng của dòng sông này, quy hoạch tốt vận tải đường thủy nội địa thì dòng sông này sẽ lại là dòng sông tiền, sông bạc.
Bên kia sông Sài Gòn, những công trình hiện đại đang mọc lên.
Một dải lụa mềm
Đoạn đẹp nhất của sông Sài Gòn như một “dải lụa mềm” uốn lượn, bao bọc lấy bán đảo Thanh Đa, Thủ Thiêm, luồn qua sát những tòa cao ốc sừng sững. Dải lụa ấy lấp lánh biến đổi màu sắc theo từng buổi trong ngày và theo từng tuần trong tháng.
Tôi đã từng đi tàu lửa dọc theo sông Hudson ở thành phố New York lên đến tận thượng nguồn thác Niagara biên giới Mỹ - Canada mà liên tưởng tới dòng sông quê hương. Sông Hudson không có những bãi bồi, không có những con đê, nó chảy giữa các vách đá hai bên bờ. Sông Sài Gòn chảy giữa đồng bằng, nó mềm mại bởi sự bồi đắp của phù sa. Tô điểm cho dòng sông là cầu Sài Gòn, cầu Thanh Đa, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Phú Mỹ, như những chiếc băng đô - món trang sức của các cô gái choàng lên mái tóc dòng sông, như những hoa văn dệt ngang trên tấm lụa dài.
Tôi thích nhất cảnh sông Sài Gòn vào buổi sáng sớm, khi nước sông dâng cao. Những con cò đậu trên đám lục bình trôi theo dòng nước, rồi thỉnh thoảng lại vỗ cánh bay hàng đàn men theo những rặng cây sú, vẹt dọc bên bờ. Có những ngày cuối năm, Thành phố có chút sương mờ ảo, dải lụa dòng sông như một tấm voan trắng trên tóc cô dâu ngày cưới. Dòng sông này nhiều màu sắc tự nhiên nhất vào những ngày rằm. Cứ tầm chập choạng tối, nếu đứng bên bờ sông mạn đảo Kim Cương, có thể ngắm được ráng mặt trời vàng chiếu xuống. Khi mặt trời vừa xuống hết thì mặt trăng cũng nhô lên rắc bạc xuống dòng sông. Nước lên đầy ắp, sóng lăn tăn li ti làm ánh trăng tan chảy ra trải khắp mặt sông như người thợ kim hoàn vẩy ánh bạc ánh vàng lên mặt nước.
Một dòng sông đẹp có thể lưu lại, tạo thành một trường phái như trường phái hội họa phong cảnh Hudson River ở Mỹ. Còn dòng sông Sài Gòn xinh đẹp của chúng ta có thể trở nên nổi tiếng thế giới, lưu lại trong lòng của du khách, nếu chúng ta tổ chức tốt những tour du lịch, những chương trình sông nước như Paris đã làm trên sông Seine, Matxcơva đã làm trên sông Volga, Thượng Hải đã làm trên sông Hoàng Phố, Luân Đôn làm cho sông Thames…
Một cái ôm trọn vẹn
Nhìn sang phía bờ bên kia sông, thấy màn hình khổng lồ xuất hiện dòng chữ lớn “Thành phố có sông ôm”, anh thốt lên: câu này đúng quá!
Nhiều tỉnh, thành phố khác ở nước ta cũng có sông chảy qua đô thành, nhưng độc nhất vô nhị là khúc sông ôm lấy bán đảo Thủ Thiêm, vuốt ve bến Bạch Đằng, chảy qua giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ… Sông Sài Gòn không có bờ đê cao như sông Hồng, nước sông Sài Gòn ôm ấp lấy bờ sông ngay dưới chân người đi bộ, có những chỗ ngồi uống nước trên bờ, ta có thể sờ tay vào những chiếc lá xanh của cây mọc dưới nước.
Người dân Sài Gòn có tấm lòng rộng mở khoáng đạt như nước sông mênh mông lúc triều lên. Xưa bến Bạch Đằng có những cái ôm vội vã trong tiếng nghẹn ngào, tiếng bước chân nặng nề của những người ra đi. Nay cũng ở nơi bến tàu ấy, không chỉ có sông ôm thành phố, thành phố ôm sông, mà còn có hàng triệu cái ôm của người với người. Những cái ôm chào đón, những bước chân đi rộn ràng của người dân thành phố này, của những người con xa xứ nay trở về đất nước, của hàng triệu du khách… Tất cả tạo lên một vẻ đẹp mới, một sự thay đổi lớn lao của dòng sông.
Vũ Ninh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/thanh-pho-co-song-om-d275280.html