Thành phố gần 10 triệu dân, học sinh học 2 buổi/ngày như thế nào?

Thành phố gần 10 triệu dân, học sinh học 2 buổi/ngày như thế nào?
4 giờ trướcBài gốc
Lời Tòa soạn:
Từ chủ trương của Bộ GD-ĐT, việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS, THPT đang đặt ra nhiều câu hỏi: Trường lớp có đủ điều kiện? Giáo viên có sẵn sàng? Học sinh được gì, mất gì?... VietNamNet mở tuyến bài "Học 2 buổi/ngày" nhằm làm rõ định hướng này, chia sẻ ý kiến từ nhà trường, phụ huynh, học sinh, cùng những góp ý, giải pháp từ chuyên gia, nhà quản lý - để chủ trương đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Tăng học sinh, xây trường lớp, tuyển giáo viên
Mỗi năm TPHCM tăng hàng chục nghìn học sinh. Năm học 2024-2025, số học sinh tăng thêm là 25.000 em, còn năm học 2023- 2024 là 35.055 em. Hiện số học sinh toàn TPHCM khoảng hơn 1,7 triệu em. Tăng học sinh hàng năm là một trong những áp lực của TP.HCM. Học sinh tăng ở các cấp tập trung tại những nơi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Cùng với việc tăng học sinh, mỗi năm TPHCM đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng phòng học, trường học mới. Năm nào TPHCM cũng xây trường. Lúc đang là Bí thư thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã ví, thành phố như một "tổng công ty xây dựng trường học" vì năm nào cũng xây trường. Trung bình cứ 5 năm, TPHCM lại có thêm 1 triệu dân nên 5 năm phải xây đủ trường cho 1 triệu người này. Cả nước quy định dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng TPHCM luôn bố trí 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Đầu năm học 2024- 2025, thành phố đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới (số phòng học tăng là 412 phòng) với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, trước ngày khai giảng đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Số còn lại sẽ hoàn thành vào giữa năm học.
Học sinh TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế
Mặt khác TPHCM thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng khoảng 2.000 phòng học, đạt 50% kế hoạch, trong đó 1.200 phòng từ nguồn đầu tư công và 800 phòng từ xã hội hóa. Đặc biệt, đến 30/4, thành phố sẽ hoàn thành 872 phòng học, chủ yếu là được cải tạo, sửa chữa và nâng cấp, bước đầu góp phần cải thiện điều kiện học tập cho học sinh.
Cùng với việc tăng học sinh, xây phòng học, năm nào TPHCM cũng tuyển dụng hàng nghìn giáo viên. Nhu cầu tuyển dụng lên tới 4.000-5.000 người mỗi năm. Việc tuyển dụng được Sở GD-ĐT và các quận/huyện thực hiện trong hè để đảm bảo cho năm học mới.
Mới nhất, đầu năm học 2024-2025, thành phố cần tuyển hơn 4.000 giáo viên, các bậc từ mầm non đến THPT. Trong đó, Sở GD-ĐT tuyển hơn 300 người cho các trường phổ thông. Việc tuyển dụng qua 2 vòng, trong đó vòng 1 thi kiến thức chung với hình thức trắc nghiệm; Vòng 2 thi thực hành kỹ năng kiến thức nghề nghiệp. Riêng TP Thủ Đức và các quận/huyện cần tuyển hơn 4.000 người.
Từ lâu thành phố đã bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức, thậm chí có nhiều quận huyện ở thành phố này thông báo việc tuyển dụng rộng khắp cả nước. Đầu tháng 2/2025, quận 6 cần tuyển 104 giáo viên mầm non, tiểu học dạy nhiều môn, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ… trên cả nước.
Hơn 90% trường học đã học 2 buổi/ngày
Đầu năm học mới hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường tiểu học, THCS, THPT bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại điều lệ trường học, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Đồng thời bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp, cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú theo quy định.
Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết với bậc tiểu học và không quá 8 tiết với bậc trung học; Có kế hoạch giáo dục bảo đảm phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; Tạo điều kiện cho học sinh học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Sở cũng lưu ý, thời khóa biểu cần được sắp xếp khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đồng thời phù hợp với việc điều động, bố trí giáo viên giảng dạy (đối với các môn chuyên, các hoạt động giáo dục khác).
Học sinh TPHCM trong ngày khai giảng. Ảnh: Nguyễn Huế
Tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai thực hiện học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông tại TPHCM mới đây, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD-ĐT) thông tin, năm học 2024-2025, TPHCM chỉ có 39/556 cơ sở giáo dục tiểu học chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Điều đó có nghĩa tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của thành phố là 92,98%. Trong khi đó con số này ở bậc trung học (gồm THCS và THPT) là 93%.
Theo bà Thúy, TPHCM căn cứ theo quy định của Bộ GD-ĐT theo Chương trình 2006 để vận hành dạy học 2 buổi/ngày song có tham mưu các văn bản hướng dẫn nhà trường thực hiện đáp ứng được việc dạy học của trường và tiếp cận được Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường cũng linh hoạt tổ chức hoạt động buổi 2 đan xen nhiều hoạt động giáo dục như kỹ năng sống, tin học quốc tế, tiếng Anh với người nước ngoài.
Hiện nhiều quận/huyện ở TPHCM như 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận, hay các huyện như Cần Giờ, Nhà Bè có tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Riêng quận 12 và Tân Phú do học sinh đông nên tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp hơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 cho biết, hiện 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đều dạy 2 buổi/ngày.
Còn ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho hay, nhà trường cũng tổ chức học 2 buổi/ngày. Ở buổi 2, nhà trường tăng cường phẩm chất và năng lực cho học sinh. Học sinh được hoạt động theo các câu lạc bộ như học thuật, tiếng Anh, STEM. Đối với một số tiết, trước đây học sinh học theo chuyên đề củng cố nâng cao thì nay nhà trường định hướng cho học sinh theo AI. Học sinh bổ sung kiến thức các môn Lý, Hóa theo hướng của ChatGPT, sau đó giáo viên hướng dẫn, giải đáp cho các em.
Ông Thạch cho rằng, việc học 2 buổi/ngày nên để các trường chủ động sắp xếp thời khóa biểu, bởi những trường đủ phòng học, có điều kiện thực hành thí nghiệm, tăng cường học thuật sẽ rất thuận lợi. Với những trường như Lương Thế Vinh (2 cấp THCS và THPT), phòng học khiêm tốn, sĩ số đông thì phải vận dụng linh động, sắp xếp phù hợp.
Lê Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thanh-pho-gan-10-trieu-dan-hoc-sinh-hoc-2-buoi-ngay-nhu-the-nao-2388514.html