Một góc biển Cần Giờ nhìn từ trên cao.
Đưa 'tàu' vươn ra biển lớn
Trong hơn hai thập kỷ qua, TP Hồ Chí Minh đã định hình chiến lược phát triển kinh tế biển như một hướng đi tất yếu để khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Quyết tâm này càng được củng cố khi Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thống nhất sáp nhập TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hai địa phương vốn có thế mạnh về công nghiệp, cảng biển và du lịch.
Theo đó, “TP Hồ Chí Minh mới” sau sắp xếp sẽ có diện tích hơn 6.772 km², dân số khoảng 13,7 triệu người với 168 đơn vị hành chính trực thuộc. Đây là quy mô vượt trội, không chỉ tạo ra một siêu đô thị ở khu vực Đông Nam Bộ, mà còn mở ra không gian phát triển chưa từng có cho kinh tế hướng biển.
Bộ mặt đô thị Cần Giờ sẽ thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.
Trước đây, TP Hồ Chí Minh chỉ có một cửa ngõ biển duy nhất là Cần Giờ, nhưng sau khi hợp nhất, Thành phố sẽ có thêm chiều sâu chiến lược khi tiếp giáp trực tiếp với Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương sở hữu hệ sinh thái tự nhiên phong phú, cảng biển nước sâu và tiềm năng du lịch biển khổng lồ.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc mở rộng không gian về hướng biển không chỉ là khát vọng riêng của TP Hồ Chí Minh mà còn là bước đi then chốt phù hợp với nhiều nghị quyết và quy hoạch chiến lược của Trung ương trong nhiều năm qua. Theo ông, TP Hồ Chí Minh mới đang hội đủ điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất, trung chuyển và dịch vụ biển mang tầm khu vực Đông Nam Á.
“Sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh cơ bản có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế biển: từ cảng biển, cảng sông, không gian biển đến chuỗi logistics hậu cần, tạo nên một tổ hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ biển tương tự như Singapore hay các thành phố biển lớn của Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Đặng Hùng Võ phân tích thêm.
Dẫn chứng cho tiềm lực đó, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, tổng thu ngân sách của ba địa phương sau sáp nhập trong năm 2024 đạt gần 678.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Từ đây, TP Hồ Chí Minh có thể chủ động hơn trong đầu tư hạ tầng biển, quy hoạch kinh tế cảng và chuỗi dịch vụ hậu cần biển mang tính liên kết vùng.
Siêu đô thị du lịch lấn biển - động lực tăng trưởng mới
Không chỉ mở rộng không gian biển, TP Hồ Chí Minh đang triển khai những chiến lược cụ thể để khai thác lợi thế này. Trong đó, nổi bật là việc hình thành siêu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - một dự án thể hiện quyết tâm phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và khai thác kinh tế biển của TP Hồ Chí Minh.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc phát triển đô thị sinh thái ven biển là một hướng đi đột phá, phù hợp với Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. TP Hồ Chí Minh đang chủ động kiến tạo những mô hình đô thị mới có chất lượng sống cao, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu”.
Mô hình đô thị lấn biển Cần Giờ trong tương lai. Ảnh minh họa
Hiện tại, siêu đô thị lấn biển Cần Giờ đang được triển khai trên diện tích 2.870 ha, dự kiến thu hút khoảng 230.000 cư dân sinh sống và làm việc. Không đơn thuần là một khu đô thị, dự án được định vị trở thành thành phố sinh thái - thông minh - nghỉ dưỡng - dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, siêu đô thị này sẽ tích hợp hàng loạt tiện ích biểu tượng như tòa tháp 108 tầng, tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á, bệnh viện quốc tế hợp tác với hệ thống y tế số 1 của Mỹ... Đặc biệt, dự án còn chú trọng vào các yếu tố xanh như hệ thống giao thông không phát thải, điện gió ngoài khơi, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và các giải pháp hài hòa với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Ông Dương Ngọc Hải kỳ vọng dự án này không chỉ thúc đẩy ngành du lịch - dịch vụ mà còn tạo ra hàng chục ngàn việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng sống người dân. Khi đi vào vận hành, đây sẽ là điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch quốc tế.
Ở góc nhìn chiến lược quốc gia, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng mới. Dự án sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng kinh tế hiện đại, đồng thời tạo đà để Thành phố vươn lên thành đô thị biển thông minh - sạch - xanh theo xu thế toàn cầu.
"Đây là cơ hội để TP Hồ Chí Minh đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển đô thị biển với thế giới. Sự kết hợp giữa biển cả, công nghiệp, logistics và con người sáng tạo sẽ hình thành một trung tâm mới của Đông Nam Á", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, với những bước đi chiến lược từ sắp xếp địa giới hành chính đến triển khai các siêu dự án ven biển, TP Hồ Chí Minh đang đặt nền móng vững chắc để tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, nơi biển không chỉ là ranh giới tự nhiên mà là không gian sinh tồn, sáng tạo và thịnh vượng của Thành phố trong tương lai.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc