Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên để làm gì?

Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên để làm gì?
4 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên. Ảnh minh họa: Tạo chí Giáo dục TPHCM
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức Thành phố.
Nội dung Kế hoạch cho biết, bài khảo sát được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời lượng 90 phút, bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết. Nội dung đánh giá dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu (CEFR), từ cấp độ A1 đến C2. Đề khảo sát do đơn vị Cambridge Assessment English thiết kế và chuẩn hóa, đảm bảo tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao trong đánh giá trình độ giáo viên.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin một số nội dung quan trọng về mục đích và ý nghĩa của hoạt động này như sau:
Thứ nhất, đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân. Kỳ khảo sát này được thực hiện nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả khảo sát là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo có cái nhìn thực tế, khoa học về hiện trạng.
Thứ hai, ý nghĩa quan trọng: Nền tảng để xây dựng kế hoạch phát triển. Dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để xây dựng Đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Từ kết quả tổng thể, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ một cách phù hợp, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Kết luận 91-KL/TW.
Thứ ba, cam kết về bảo mật và mục đích sử dụng: Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Đây không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn của từng giáo viên. Kết quả khảo sát tuyệt đối không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác. Thông tin kết quả của từng cá nhân sẽ được bảo mật. Chỉ có chính bản thân thầy cô và Tổ Giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án (là bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung) mới được tiếp cận.
Thứ tư, cơ hội cho chính quý thầy cô: Tham gia khảo sát cũng là dịp để mỗi thầy cô tự nhìn nhận, đánh giá được mức độ năng lực tiếng Anh hiện tại của mình một cách khách quan qua bài khảo sát. Từ đó, quý thầy cô có thể chủ động xây dựng lộ trình học tập, trau dồi cho bản thân, chuẩn bị tốt hơn cho xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục, mở ra những cơ hội mới trong công tác chuyên môn và giảng dạy.
Phan Anh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-khao-sat-nang-luc-tieng-anh-cua-giao-vien-de-lam-gi-179250420093807853.htm