Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trao biểu trưng App Công dân số cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Ngày 12/1, Lễ phát động “Hãy trở thành công dân số Thành phố Hồ Chí Minh” với thông điệp “Kết nối nhanh chóng giữa công dân và chính quyền” đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Sự kiện giúp người dân tiếp cận và hưởng ứng lan tỏa rộng rãi tiện ích của ứng dụng (app) Công dân số trong cộng đồng.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục là chủ đề trọng tâm, hướng tới hoàn thiện chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung cao độ để phong trào này không chỉ mang tính hình thức mà còn đem lại kết quả cụ thể, thiết thực, đặc biệt là những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
"Chuyển đổi số không chỉ góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt nhất mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Ông Phan Văn Mãi yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các đoàn thể, lực lượng vũ trang đi đầu trong việc trở thành công dân số.
Cụ thể, trong 3 tuần tới, các tổ chức, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động, thanh thiếu niên, hội phụ nữ… phối hợp để hoàn thành đăng ký trở thành công dân số.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Dịp Tết Nguyên đán 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành sơ kết và cơ bản hoàn thành mục tiêu đăng ký công dân số, đồng thời sẽ tổ chức giải thưởng theo tuần từ nay đến đó (3 tuần). Cụ thể, trong tuần đầu tiên, nếu có đơn vị nào đăng ký đông hơn (tính theo tỷ lệ) sẽ được thưởng cao hơn và giải thưởng giảm dần cho đến Tết.
Sau lễ phát động, các đại biểu tham gia diễu hành bằng xe buýt 2 tầng đến Nhà ga metro Bến Thành. Đồng thời, các đoàn viên, thanh niên đạp xe quanh khu vực tổ chức lễ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, tạo điểm nhấn tuyên truyền.
Các đại biểu cùng tham gia diễu hành bằng xe buýt 2 tầng. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Tại gian trưng bày ở Nhà ga metro Bến Thành, người dân được hướng dẫn cài đặt và trải nghiệm các tính năng nổi bật của ứng dụng, tiện ích của ứng dụng, trao đổi và giải đáp thắc mắc về ứng dụng. Người dân cũng được giới thiệu, hướng dẫn các dịch vụ số như đăng ký lý lịch tư pháp trực tuyến, cài VNeID, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2…
Ông Phan Văn Mãi thông tin app Công dân số là công cụ một chạm tương tác hai chiều giữa người dân với chính quyền. Người dân có thể lấy thông tin từ chính quyền, góp ý cho chính quyền, đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính liên quan ở bất kỳ nơi nào. Qua đây, tương tác giữa người dân và chính quyền sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính quyền phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện app Công dân số để có thể hoạt động tốt nhất, các tiện ích khác sẽ được tiếp tục nghiên cứu, tích hợp lên.
Về hạ tầng, dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh, cơ quan và các bên có liên quan sẽ tập trung xây dựng.
Trước đó, ngày 4/11/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt app Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kết nối công dân và chính quyền.
Thông qua app này, người dân có thể phản ánh các sự việc, gửi ý kiến góp ý, hiến kế các vấn đề mà mình quan tâm; đồng thời theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng. Người dân cũng có thể tiếp cận, tra cứu và sử dụng các tiện ích dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên nhiều lĩnh vực thiết thực với đời sống.
Về phía chính quyền, app Công dân số là một kênh hiệu quả để ghi nhận, quản lý và xử lý các sự việc từ thực tế cuộc sống phát sinh trên địa bàn, căn cứ trên dữ liệu được cung cấp minh bạch./.
(TTXVN/Vietnam+)