Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập có quy mô ra sao?

Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập có quy mô ra sao?
2 ngày trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Trung ương khóa XIII (diễn ra từ ngày 10-4 đến ngày 12-4), cả nước thực hiện sắp xếp 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, TP với 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương.
Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM; lấy tên là TP.HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM.
‘Siêu thành phố Hồ Chí Minh' sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Với việc hợp nhất này, siêu thành phố mới này được kỳ vọng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Theo số liệu thống kê, tổng GRDP của ba tỉnh TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng; tổng thu ngân sách năm 2023 là hơn 530 triệu tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh Bình Dương là 99 triệu đồng/người/năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 64 triệu VNĐ/người/năm, TP.HCM là 78 triệu đồng/người/năm.
Dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM “mới” có tổng diện tích khoảng 6.772 km2 (ước tăng tỉ lệ 135,4%); dân số hơn 13,7 triệu người (ước tăng tỉ lệ 979%).
Trung tâm hành chính - chính trị của "siêu thành phố" mới sẽ được đặt tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nhiều năm qua, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Đồng Nai đều nằm trong nhóm các tỉnh, TP đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương nên được xem là khu tứ giác kinh tế quan trọng trong vùng đô thị TP.HCM. Các địa phương đều có GRDP cao, hoạt động kinh tế - xã hội năng động và đều có trình độ dân trí cao, rất thuận lợi cho việc sáp nhập và tái cơ cấu.
Theo TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, khi TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu được sáp nhập với nhau thì sẽ có nhiều yếu tố mới, bao hàm nhiều thử thách và cơ hội mới cho TP.HCM.
Thứ nhất, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có quy mô diện tích tăng hơn gấp ba, trong khi dân số chỉ tăng khoảng gấp rưỡi, đồng nghĩa với việc quỹ đất phát triển gia tăng mạnh mẽ. Do đó, TP.HCM sẽ phải phát triển đô thị đa trung tâm theo hướng đa cực, nối lên vùng đất cao phía bắc và nối ra biển phía đông nam.
Thứ hai, TP.HCM sẽ có hai hạ tầng trọng điểm quy mô lớn mà trước đây TP chưa có, bao gồm cảng biển lớn nhất của vùng đô thị là cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu và ga xe lửa lớn nhất của Việt Nam là ga Sóng Thần ở Bình Dương.
Điều này mở ra các cơ hội phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ cao về phía bắc, cũng như phát triển chuỗi đô thị cảng biển và đô thị du lịch biển về phía nam và đông nam.
Thứ ba, TP.HCM sẽ có điều kiện thuận lợi để phối hợp phát triển đô thị liên kết với các hạ tầng trọng điểm của vùng đô thị gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt với hạ tầng sân bay quốc tế Long Thành.
Hiện nay, các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM đang triển khai lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
HOÀNG KIM
Nguồn PLO : https://plo.vn/sieu-thanh-pho-ho-chi-minh-sau-sap-nhap-co-quy-mo-ra-sao-post844390.html