Ban quý tế, đại biểu và quan khách tiến vào lăng thực hiện Lễ Dâng hương-Cầu an.
Theo tục lệ xa xưa, ngày mùng 7 Tết là ngày lễ Hạ nêu, Đức Tả quân đã chọn ngày này làm ngày Khai hạ, cũng là ngày Khai sơn, Khai bút, Khai ấn, để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội được tổ chức với nhiều nội dung phong phú gắn liền nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ và cũng là hoạt động văn hóa-tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào, đặc biệt là mang ý nghĩa tôn kính các vị tiền nhân, tưởng nhớ những người đã có công khai hoang lập đất, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các đại biểu dâng hương tại lễ hội.
Trải qua những giá trị của lịch sử, lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng. Lễ hội được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ nhiều giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về tham dự mỗi mùa lễ hội. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc là niềm tự hào của nhân dân quận Bình Thạnh nói riêng và của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất thực hiện nghi thức Khai bút tại lễ hội.
Với những ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, Lễ hội Khai hạ-Cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 4/4/2022.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Bình Thạnh Lê Trần Kiên thực hiện nghi thức Khai ấn.
Theo Ban tổ chức, năm qua, Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt tiếp tục được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo các cơ quan đơn vị và nhất là đông đảo nhân dân đã đóng góp tạo điều kiện cho di tích ngày càng phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
LINH BẢO