Thành phố Hồ Chí Minh và tôi: Như là nỗi nhớ, như là tình yêu!

Thành phố Hồ Chí Minh và tôi: Như là nỗi nhớ, như là tình yêu!
7 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau giải phóng. Ảnh: N.D
Năm 1978, khi mới 0 tuổi, tôi rời xa nơi mình sinh ra - Hà Nội, để cùng gia đình chuyển vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tròn xoe mắt trước một miền đất rất xa chốn cũ và hoàn toàn mới mẻ, từ giọng nói "Sài Gòn", cách nấu ăn luôn bỏ thêm chút đường, những con đường rộng lớn hơn nhiều so với phố cổ Hà Nội… Tôi đã bắt đầu một hành trình mới của cuộc đời mình ở đây, với tất cả sự háo hức của một đứa trẻ.
Nơi chúng tôi ở là một căn hộ nhỏ ở lô P, cư xá Thanh Đa, được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn quanh năm gió thổi mát rượi. Nối giữa các lô số, lô chữ là những con đường nhỏ có thể dạo bộ như một cách tập thể dục hữu hiệu. Nhà chúng tôi gần chợ Thanh Đa, một ngôi chợ tồn tại từ trước giải phóng, nhưng vẫn giữ được nhịp sống êm ả, yên tĩnh, có lẽ vì Thanh Đa ngày đó chưa đông đúc như bây giờ.
Nối bán đảo Thanh Đa với đất liền là chiếc cầu có tên gọi không được đẹp lắm nhưng rất dễ nhớ, cầu Kinh. Nghe kể lại, đây là cây cầu được xây lại lần thứ 2 sau lần đầu khoảng năm 1930. Ngày đó, dù cầu đúc bê tông nhưng cũng rất cũ và nhỏ, bề ngang chỉ khoảng 6 mét và rất dốc. Nhưng dù thế nào, đó vẫn là điểm nghỉ chân tuyệt vời của tôi để phóng tầm mắt về hai bên bờ sông, hướng về cầu Sài Gòn và cầu Bình Triệu mỗi lần ì ạch đạp chiếc xe đạp cũ qua dốc cầu.
Tuổi thơ tôi dần trôi qua cùng những thăng trầm của thành phố mới giải phóng, với muôn vàn khó khăn mà dù chỉ với nhận thức non nớt của một đứa trẻ, tôi cũng cảm nhận được qua báo chí, truyền hình và thực tế cuộc sống gia đình tôi cũng như mọi người dân thành phố. Hòa bình chưa được bao lâu, cả nước lại tiếp tục bước vào chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt. Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng đã phải gồng mình vượt qua những chồng chất khó khăn: những bữa cơm độn bo bo, khoai mì thay gạo; những khu ổ chuột và con kênh nước đen xì, hôi hám do ô nhiễm nặng.
Tôi còn nhớ ngày đó, phương tiện chủ yếu là xe lam, chiếc xe nhỏ với sức chứa 8 - 10 người "thần thánh" đưa chúng tôi kết nối với khu vực Hàng Xanh - Chợ Bà Chiểu - Thị Nghè, mỗi lần hiếm hoi tôi được ông nội thưởng cho một chuyến đi chơi Thảo Cầm Viên.
Tôi cũng nhớ ngã tư Hàng Xanh (nghe nói tên đúng là Hàng Sanh, do trước kia trồng nhiều cây sanh) lúc nào cũng chật kín xe cộ. Nhưng điều hấp dẫn một đứa bé như tôi không phải là xe cộ, mà là những điểm bán bánh mì thơm phức mùi bơ - phần thưởng xa xỉ cho mỗi lần tôi đạt thành tích thi học sinh giỏi Văn cấp trường, cấp quận…
Và rồi, trong sự khó khăn chồng chất ở thập niên 80, rất nhiều người đã chọn cách rời xa thành phố này. "Em ơi, hãy lắng nghe, nghe thành phố thở/Bằng tiếng sóng vỗ dưới những thân tàu/ Bằng hương rừng già trên vai bộ đội/Bằng gương đồng đội thanh niên xung phong…". Vâng, trong gian khó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chuyển động, bằng tất cả sức mạnh và niềm tin, cùng tâm huyết và sự cống hiến của những người ở lại.
Khung cảnh TP Hồ Chí Minh vào năm 1980. Ảnh: Internet
Tôi đã lớn lên cùng phong trào Thanh niên xung phong của các cô chú, dâng hiến tuổi trẻ cho sự bình yên và đổi thay của thành phố. Tôi lớn lên cùng với những nông trường mới ra đời, để từng bữa cơm của chúng tôi dần bớt bo bo, thay bằng những hạt gạo trắng. Tôi lớn lên cùng với giai đoạn cả thành phố "xốc mình" chuyển động như con tàu lao nhanh về phía trước, với sự năng động và tinh thần "Nói và Làm" mà cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh phát động. Tôi lớn lên cùng các dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, biến dòng kênh đen thành dòng nước xanh mát. Tôi lớn lên cùng những phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, với những ngôi nhà mới khang trang thay thế mái nhà lụp xụp ngày nào, góp phần tạo nên hình ảnh một "Thành phố nghĩa tình" mà chúng ta tự hào.
"Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở/ Bằng đôi chim nhỏ bay giữa bầu trời/ Bằng bao nụ cười nghiêng nghiêng chờ đợi/Bằng hoa phượng đỏ thương ai trao ai/ Yêu lắm cuộc đời, ta xây tương lai…". Đẹp không bạn, Thành phố của chúng ta?
Sau 50 năm giải phóng và kiến thiết, vượt qua bao thăng trầm, giờ đây chúng ta tự hào với những khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm; những khu chế xuất công nghệ cao; những công trình thế kỷ như tháp Bitexco, Landmark 81, khẳng định khát khao chinh phục mọi thử thách. Những công trình giao thông hiện đại mọc lên, trong đó vòng xoay Hàng Xanh quen thuộc của tuổi thơ tôi đã thay đổi diện mạo hoàn toàn, chỉ những người từng sống nơi này mới hiểu ký ức Hàng Xanh xưa.
Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau giải phóng. Ảnh: Internet
Thành phố vẫn tiếp tục dang rộng vòng tay, chào đón những người con xa xứ trở về, cùng tự hào và chung tay cống hiến.
Sau này, gia đình tôi chuyển nhà đến khu vực khác, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn lang thang trở về Thanh Đa, như một sự đưa đẩy tự nhiên của nỗi nhớ. Bẵng đi một thời gian dài bận công tác xa thành phố, vào tháng 5/2017, tôi trở lại thăm Thanh Đa, sững người khi đi trên cây cầu Kinh mới vững chãi và rộng gấp 3 lần cầu cũ. Vẫn chọn chỗ đứng quen thuộc ngày xưa trên cây cầu mới, ánh mắt tôi lại hướng về cầu Sài Gòn và cầu Bình Triệu, giờ đây đều đã thành những công trình hiện đại, những biểu tượng tự hào khi nhìn lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay. Và khi sống mũi chợt cay vì xúc động, tôi nhận ra rằng cảm xúc ấy chỉ có thể gọi tên là tình yêu. "Như là cuộc sống, như là tình yêu và nỗi nhớ/Suốt đời, suốt đời, suốt đời mang theo…".
Vâng, từ những bỡ ngỡ đầu tiên gắn liền với tuổi thơ, đến nay, sau 46 năm trưởng thành cùng thành phố, nơi đây không chỉ còn là nơi để ở, mà đã trở thành quê hương thứ hai trong tim tôi. Tôi đã khóc khi nhìn hàng cây cổ thụ xanh mát trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ nhường đất cho công trình giao thông trọng điểm; và cũng đã rưng rưng hạnh phúc khi chạy xe chầm chậm trên cầu Ba Son hiện đại, nối quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mỗi lần trở về Thanh Đa, tôi lại bồi hồi… Tất cả những cảm xúc buồn vui ấy đều đặc biệt, bởi tôi hiểu: Tôi đã yêu thành phố này biết nhường nào.
Cây cầu Kinh (Thanh Đa) sau khi được sửa chữa lần thứ 3
Qua bao thăng trầm, Thành phố Hồ Chí Minh thân yêu của tôi vẫn giữ vẹn nguyên khí chất hào sảng và nghĩa tình, vẫn không ngừng vươn cao, vươn xa để xứng đáng là một thành phố văn minh, hiện đại. Viết những dòng chữ này với ký ức trải dài hơn nửa đời người quả là không dễ dàng, vì bao hình ảnh, bao câu chuyện cứ ùa về… Nhưng tôi vẫn muốn viết - để tri ân, bằng cả trái tim, với thành phố này - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi trọn vẹn cảm xúc về một thành phố của tình yêu và nỗi nhớ.
Tôi đã "nghe" thành phố "thở" theo cách của mình như thế. Còn bạn thì sao?
Lê Hồng Hạnh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-va-toi-nhu-la-noi-nho-nhu-la-tinh-yeu-20250429172558052.htm