Thành phố Huế vừa hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan từ tháng 11/2024. Sau 3 năm trùng tu với kỹ thuật tinh xảo, công trình trở lại vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy vốn có. Điện Thái Hòa là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Điên Thái Hòa - Đại Nội Huế mở cửa phục vụ sau 3 năm trùng tu
Bà Đào Thị Ngọc Nhàn, du khách ở Hà Nội khi tham quan Huế rất ngạc nhiên trước độ tinh xảo của các công trình kiến trúc của điện Thái Hòa sau trùng tu. “Tôi thấy rõ tài năng của các nghệ nhân và thành quả mà chúng ta đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo di sản. Đặc biệt đây là một trong những di sản của thế giới, là điều rất quan trọng. Di sản là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là món quà cho tương lai”.
Để triển khai hiệu quả các Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, Cần Chánh và các công trình khác, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng các đơn vị đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản. Quá trình trùng tu nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các bộ, ban, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu trong việc thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý...
Điện Thái Hòa được phục dựng sau trùng tu thu hút nhiều khách tham quan
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, dáng vẻ kinh đô xưa hàng trăm năm trước đang hồi sinh. “Những người làm công tác trùng tu, bảo tồn giá trị di sản mong muốn thực hiện đúng, tuân thủ nguyên tắc của công tác trùng tu, đảm bảo tính nguyên gốc. Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn về tư liệu. Theo kinh nghiệm, chúng tôi rất coi trọng dữ liệu về di sản. Chúng tôi phải kết nối với các đơn vị lưu trữ ở Pháp, trong nước, các nguồn từ các tổ chức, cá nhân để sưu tầm từng bức ảnh phục vụ cho công tác trùng tu. Đối với những công trình đang trùng tu cũng như các công trình sắp tới, vấn đề này cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa”.
Cố đô Huế hồi sinh
Quần thể di tích cố đô Huế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về kinh đô xưa của Việt Nam. Cố đô Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể rất riêng của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Thành phố Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là Quần thể Di tích Cố đô Huế vào năm 1993. Đến năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế là Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ở Huế vẫn còn lưu giữ nhiều ngành nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống. Đây là những lợi thế trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản cố đô Huế. “Rất may mắn, ở Huế hiện nay vẫn còn nhiều thợ giỏi. Những người thợ thêu, thợ sơn son thếp vàng, thợ chạm trổ, những người thợ kim hoàn… Rất nhiều ngành nghề ở Huế còn giữ được và thậm chí có bước phát triển, để lại những giá trị về di sản khá tốt”.
Đại nội Huế thu hút khách tham quan
Đến nay, thành phố Huế là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam với 8 di sản được UNESCO ghi danh. Vùng đất này minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu.
Giáo sư - Tiến sỹ - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận định, vị thế của kinh đô Huế ngày nay với kho tàng di sản phong phú, đa dạng là nền tảng, động lực để Huế trở thành đô thị di sản theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. “Thành phố Huế sở hữu tài nguyên di sản văn hóa đồ sộ, rất đa dạng. Đặc biệt, tài nguyên di sản ấy vẫn đang sống động, được giữ gìn, bảo lưu được trong một cơ thể đô thị một cách nhuần nhuyễn, tiếp nối sự kế thừa, phát triển. Đó là điều rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thành phố”.
Thành phố Huế bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa
Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đang chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững. Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thành phố Huế có nhiều ưu thế trong việc xây dựng thành trung tâm chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành phố Huế cũng đã triển khai chiến lược phù hợp với những nhiệm vụ, giải pháp vừa tăng tốc phát triển Huế trở thành đô thị hiện đại, vừa bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa.
Cố đô Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, đây cũng là con đường phù hợp nhất để Thành phố Huế vươn xa bằng sức mạnh nội lực trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. “Quần thể Di tích Cố đô Huế đóng vai trò rất quan trọng, trong bức tranh phát triển của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, địa phương đang tập trung xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa Huế. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được địa phương hết sức quan tâm. Chúng tôi đang tiến hành các giải pháp để vừa làm tốt công tác bảo tồn nhưng đồng thời phải thực sự phát huy được giá trị của các thiết chế này. Tất cả đảm bảo di sản có thể sống được trong sự phát triển chung của xã hội, nhưng đồng thời, sự phát triển, phát huy đó đem lại ý thức cũng như giá trị để bảo tồn di sản một cách tốt nhất”.
Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Khởi công trùng tu điện Cần Chánh, Đại nội Huế
Ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển mới với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa, xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh, giàu bản sắc Việt Nam.
Vinh Thông/VOV-Miền Trung