Lãnh đạo thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) khảo sát tại khu vực cửa khẩu phía Đông Hưng, Trung Quốc.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã thống nhất một số nội dung về phương án kỹ thuật, đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại khu vực cầu Bắc Luân I (luồng xuất nhập cảnh dành cho khách du lịch, cư dân biên giới…); nghiên cứu, sử dụng hạ tầng kết nối tại cầu Bắc Luân II để triển khai xây dựng làn xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo mô hình thông quan cửa khẩu thông minh.
Đồng thời, hai bên cũng đề xuất giải pháp nâng cấp luồng vận chuyển hàng hóa, nghiên cứu phương án bổ sung xây dựng mono-rail (hoặc sky-rail) để nâng cao hiệu suất thông quan, thời gian xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo mô hình cửa khẩu thông minh 24/7.
Lãnh đạo thành phố Móng Cái và thành phố Đông Hưng khảo sát tại khu vực cửa khẩu Bắc Luân I, Bắc Luân II phía Trung Quốc.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái cho biết: Ngay sau khi kết thúc cuộc làm việc và khảo sát khu vực cửa khẩu bên Đông Hưng, tổ công tác của thành phố hoàn thiện đề án xong trước ngày 30/5 để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, làm cơ sở để tham mưu tổ chức hội đàm giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 6/2025 và thực hiện các bước tiếp theo theo trình tự, thẩm quyền.
Thời gian qua, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh đã có chủ trương thống nhất bằng văn bản, nhất quán từ Trung ương đến cấp tỉnh, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới; đã được bàn bạc, đề cập trong nhiều cuộc làm việc của lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp tỉnh-khu của Việt Nam và Trung Quốc.
Cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc) đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia. Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu này không chỉ là bước đi tất yếu trong tiến trình hiện đại hóa hạ tầng cửa khẩu, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, bảo đảm dòng chảy thương mại được thông suốt, nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa và kiểm soát người xuất nhập cảnh một cách nhanh chóng, an toàn, chính xác.
Lãnh đạo thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) chụp ảnh lưu niệm.
Trước đó, ngày 12/4, hai bên chính thức ký kết “Thỏa thuận khung hợp tác thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc) và thí điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc)”.
Trong đó, hai bên thống nhất thành lập Tổ công tác thúc đẩy triển khai thực hiện thỏa thuận khung. Phía Quảng Ninh giao Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái và phía Quảng Tây giao Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng làm đầu mối trao đổi.
Hiện nay, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã chuẩn bị phương án sơ bộ xây dựng cửa khẩu thông minh, trọng tâm là đã nâng cấp trang thiết bị kiểm tra hiện có tại cửa khẩu cầu Bắc Luân I, đặc biệt là luồng kiểm tra không tiếp xúc (luồng kiểm tra thông minh), từng bước thực hiện cùng công nhận và chia sẻ thông tin người thông quan.
Tiến tới trong năm 2025, thành phố Đông Hưng triển khai thực hiện cư dân hai địa phương thông quan qua luồng kiểm tra không tiếp xúc tại cửa khẩu song phương Móng Cái-Đông Hưng.
Đồng thời, thành phố Đông Hưng cũng tận dụng trang thiết bị hiện có của cửa khẩu cầu Bắc Luân II Việt-Trung, áp dụng mô hình thông quan 24/7 và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ AI để giám sát, từng bước chuyển đổi mô hình sử dụng đường ray trượt trên không, vận tải bằng thanh ray không người lái.
Ngoài ra, các cửa khẩu phía thành phố Móng Cái (Việt Nam) cũng đang vận hành hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, tương đương với phía bạn.
Thành phố Móng Cái đã chuẩn bị ngay các quỹ đất để xây dựng: Trung tâm hạ tầng cửa khẩu thông minh; Khu hậu cần; Trung tâm thương mại điện tử và kho bãi hàng hóa xuất nhập khẩu, trung tâm triển lãm hàng hóa xuất nhập khẩu.
QUANG THỌ