Trên kênh YouTube cá nhân mang tên "Planeta Juan", với hơn 1,7 triệu người theo dõi, YouTuber Juan Díaz đã đưa người xem đến một trong những khu vực đặc biệt nhất tại thủ đô Cairo, Ai Cập - nơi được biết đến với cái tên "Thành phố rác" (Garbage City), hay còn gọi là Manshiyat Naser.
Juan Díaz nhận định rằng, với dân số gần 20 triệu người, Cairo là một trong những thành phố lớn nhất châu Phi và cũng nằm trong số các đô thị đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà thành phố này phải đối mặt là hệ thống thu gom và xử lý rác thải chưa hiệu quả.
Chính sự thiếu hụt đó đã dẫn đến sự hình thành của Manshiyat Naser - một khu phố đặc biệt, nổi tiếng toàn cầu vì bị bao phủ gần như hoàn toàn bởi rác thải. Từ lối vào, đường phố cho đến mái nhà, đâu đâu cũng ngập trong rác, một khung cảnh gây sốc nhưng cũng hé lộ một hệ sinh thái sinh tồn độc đáo.
Nơi đây là nơi sinh sống của cộng đồng zabbaleen, hay còn được gọi là "người rác". Họ là những người kiếm sống nhờ việc thu gom rác từ khắp nơi trong thành phố, mang về phân loại và tái chế. Gần như mọi thứ đều được tận dụng: nhựa được nghiền nhỏ, ép thành bó rồi bán lại; các vật liệu khác được phân chia theo từng loại để phục vụ mục đích tái chế.
Công việc phân loại chủ yếu do phụ nữ và trẻ em đảm nhiệm, trong khi nam giới phụ trách thu gom ban đầu. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, họ vẫn giữ vững đời sống tinh thần, với phần lớn là tín đồ Cơ đốc giáo Copt tham dự thánh lễ tại nhà thờ St. Sama'an - công trình tôn giáo đồ sộ được xây dựng bên trong một hang động, có sức chứa tới 15.000 người.
Juan Díaz chia sẻ trải nghiệm thực tế khi bước chân vào một trong những khu vực tái chế tại Manshiyat Naser: "Thành thật mà nói, mùi ở đây rất nồng. Cairo vốn đã ô nhiễm vì bụi và cát sa mạc, nhưng ở đây, mùi hôi từ rác thải còn kinh khủng hơn".
Ông cũng cho biết thêm rằng, ngoài các khu vực thu gom nhựa, còn có những tòa nhà chuyên xử lý rác hữu cơ. Đáng chú ý, những con lợn được nuôi tại đây đóng vai trò thiết yếu: chúng ăn toàn bộ phần rác hữu cơ, để lại những vật liệu khác có thể tái chế được. Người dân làm việc trong điều kiện thiếu trang bị bảo hộ, nhưng họ đã quá quen với môi trường này.
Manshiyat Naser - dù bị xem là một "nỗi xấu hổ" của thành phố, lại chính là giải pháp sống còn cho vấn đề rác thải tại Cairo. Đây là hệ quả tất yếu từ việc không có hệ thống xử lý rác chính quy, nhưng đồng thời là minh chứng cho tinh thần thích nghi và khả năng tận dụng nguồn lực của con người.
Juan Díaz nhấn mạnh một điểm đặc biệt: "Ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ tái chế rác thường chỉ đạt khoảng 20%. Nhưng tại Thành phố rác, người dân có thể tái chế tới 90% lượng rác họ thu gom - một con số mà không một nhà máy hiện đại nào có thể đạt được".
Thông qua câu chuyện về Garbage City, Juan muốn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất, nếu biết cách tận dụng, rác thải không chỉ là vấn đề mà còn là nguồn sống và bài học quý giá cho cả thế giới về sự bền vững và tái chế.
Bình Nguyên